Trung tâm thông tin Trung tâm thông tin

CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI BỆNH VIỆN TƯ NHÂN – DÙNG CÔNG NGHỆ ĐỂ GIẢI BÀI TOÁN Y TẾ

07/05/2021

Chuyển đổi số (CĐS) trong y tế được ví như “một cú hích” dứt khoát và mạnh mẽ trong tiến trình phát triển của y tế Việt Nam bởi những lợi ích to lớn, toàn diện và ý nghĩa. CĐS chính là nền tảng, động lực để hiện đại hóa nền y tế, giúp nâng cao chất lượng, công bằng và hiệu quả. Đặc biệt, CĐS tại bệnh viện tư nhân càng được chú trọng hơn nhờ vào những thay đổi tích cực mà CĐS mang lại cho bệnh viện, bác sĩ và người bệnh.

Chuyển đổi số mang lại lợi ích to lớn, toàn diện và ý nghĩa cho ngành y tế
CĐS mang lại nền tảng khám chữa bệnh chất lượng và uy tín hơn
Không phải cho đến khi Covid-19 xảy ra, chúng ta mới nhận ra lợi ích của Telemedicine – khám chữa bệnh từ xa. Telemedicine đóng vai trò to lớn trong việc rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian. Đặc biệt khi hạ tầng cơ sở được xây dựng đồng đều tại hầu hết các bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước thì những rào cản thực hiện Telemedicine càng trở nên mờ nhạt và dần biến mất. Không chỉ dừng lại ở hoạt động thăm khám, chẩn đoán lâm sàng, Telemedicine đã được nghiên cứu và phát triển với những giải pháp chuyên sâu hơn như: Tele-EMS – truyền tải dữ liệu lâm sàng từ xe cấp cứu về trung tâm điều hành, Tele-ECG – hỗ trợ đọc điện tim từ xa, Tele-ICU – chuyên sâu cho phẫu thuật và hồi sức tích cực…nhằm can thiệp sâu hơn và hỗ trợ tối đa cho các bác sĩ trong hoạt động kết nối và hội chẩn đa chiều.

Những giải pháp công nghệ y tế được VMED Group giới thiệu tại Hội nghị chuyển đổi số quốc gia năm 2020

Sở hữu hạ tầng cơ sở hiện đại, hệ thống bệnh viện tư nhân dễ dàng hơn trong việc ứng dụng Telemedicine. Nếu như trước đây, người dân còn e ngại về trình độ chuyên môn của các bác sĩ tại tuyến bệnh viện tư thì Telemedicine đã góp phần tháo gỡ được các vướng mắc còn tồn tại này. Những cuộc hội chẩn trực tuyến được thực hiện thường xuyên giữa các bác sĩ bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tư nhân, những ca mổ được truyền tải trực tiếp, những tư vấn, trao đổi chuyên môn được tương tác liên tục và định kỳ giúp nâng cao chất lượng điều trị và khám chữa bệnh. Khi đã hoàn toàn yên tâm về chất lượng chuyên môn, người dân cũng sẵn sàng và cởi mở hơn trong việc lựa chọn thăm khám, điều trị tại hệ thống các bệnh viện tư nhân.

Quản trị bệnh viện thông minh, chính xác và hiệu quả nhờ CĐS

Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định phê duyệt vào ngày 22/12 nêu rõ: “Tầm nhìn của chuyển đổi số ngành y tế tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh”. Nằm trong 3 định hướng chính của CĐS y tế, “Quản trị bệnh viện thông minh” được hệ thống các bệnh viện tư nhân đặc biệt chú trọng đầu tư bởi khi các hoạt động chuyên môn của y bác sĩ áp dụng những công nghệ hiện đại thì công tác quản trị cũng cần phải có sự đầu tư công nghệ phù hợp.

Để hỗ trợ cho công tác quản trị tại bệnh viện, rất nhiều sản phẩm công nghệ đã được nghiên cứu và phát triển nhằm ứng dụng linh hoạt và phù hợp cho từng quy mô bệnh viện, cơ sở y tế như: EMR – CLAS Healthcare – Bệnh án điện tử đầu tiên ứng dụng ghi vết dữ liệu bằng công nghệ Blockchain, HIS – Giải pháp quản lý thông tin bệnh viện thông minh, PACS – Giải pháp lưu trữ và truyền tải hình ảnh Y khoa theo tiêu chuẩn HL7 FHIR. Hay gần đây, Vietmedical – công ty thành viên của VMED Group đã cho ra mắt sản phẩm “trợ lý ảo” cho các bác sĩ gây mê – eGM, phần mềm phiếu theo dõi gây mê điện tử. Đây là sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ các bác sĩ gây mê thu thập dữ liệu chuẩn xác và đưa ra các quyết định kịp thời, đồng thời cũng là bằng chứng để thực hiện các nghiên cứu khoa học, hỗ trợ hoạt động đào tạo các bác sĩ, điều dưỡng gây mê.

Một phiên hội chẩn trực tuyến được thực hiện giữa bệnh viện đa khoa Hùng Vương (bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Phú Thọ) và bệnh viện Bạch Mai thông qua hệ thống Tele-ICU của VMED Group

Hiểu được tầm quan trọng của công tác quản trị bệnh viện, ngày 10/04/2021, tại Thanh Hóa, trong Hội nghị tổng  kết công tác năm 2020, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã ký kết thoả thuận hợp tác giữa Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế và Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam về “thúc đẩy chuyển đổi số y tế trong hệ thống y tế tư nhân” nhằm phát huy thế mạnh của mỗi bên trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Việc hợp tác hai bên sẽ đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Ngày 10/04/2021, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam ký kết thoả thuận hợp tác giữa Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế và Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam về “thúc đẩy chuyển đổi số y tế trong hệ thống y tế tư nhân”

Phát biểu trong khuôn khổ hội nghị, ông Ngô Thanh Sơn – Phó Tổng giám đốc tập đoàn VMEG Group cho biết: “CĐS tại hệ thống bệnh viện tư nhân là một lộ trình xuyên suốt chứ không phải từng giai đoạn riêng lẻ. Quan điểm của VMED khi tư vấn cho các bệnh viện là phải tập trung quy hoạch CNTT với tầm nhìn dài hạn, hướng đến các kiến trúc mở. Mở đầu là triển khai các ứng dụng CNTT cho các thủ tục hành chính, ưu tiên tiếp theo là các ứng dụng hỗ trợ ra quyết định lâm sàng, các ứng dụng của Telemedicine giúp nâng cao chất lượng điều trị và hỗ trợ nâng cao năng lực nguồn nhân sự. Bước cuối cùng là xây dựng các cơ sở dữ liệu và hệ thống dashboard phục vụ quản lý, quản trị bệnh viện trên nhiều góc độ: hiệu suất, chất lượng, tài chính…để từ đó có thể liên tục cải tiến, tối ưu hoạt động của bệnh viện”. Ông Ngô Thanh Sơn cũng chia sẻ thêm: “Quản trị tại hệ thống bệnh viện tư nhân có nhiều điểm hạn chế so với bệnh viện công bởi hành lang pháp lý, quy định về nhân sự, ngân sách, đầu tư, sự khác biệt và chênh lệch về chỉ tiêu đánh giá giữa bệnh viện công và bệnh viện tư. Chính vì vậy, việc áp dụng CĐS trong quản trị chính là một cách làm thông minh, phát huy lợi thế về hạ tầng và nguồn lực nhân sự cũng như tài chính để bệnh viện tư có thể  nâng cao năng lực, khẳng định ưu thế cả về dịch vụ và chất lượng khám chữa bệnh”.

Không chỉ góp phần hình thành nên hạ tầng quản trị thông minh, chuyên nghiệp và hiệu quả, những hoạt động này chính là cơ sở để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế, sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao, được bảo vệ, chăm sóc liên tục và dài lâu.

CĐS chính là mắt xích tạo nên vòng tròn kết nối giữa bệnh viện công và bệnh viện tư nhân

Nếu như trước đây hệ thống bệnh viện tư nhân thường hoạt động độc lập, ít có sự tương tác với bệnh viện công, thì nay, với sự bùng nổ của CĐS, bệnh viện tư nhân đã trở thành những bệnh viện vệ tinh trong mạng lưới kết nối hạ tầng chăm sóc sức khỏe. Không còn bị động, chờ đợi tham vấn, các bệnh viện tư nhân đã chủ động hơn trong hoạt động chia sẻ, trao đổi kiến thức, hội chẩn đa chiều nhằm tạo nên sự liên kết chặt chẽ, sẵn sàng hỗ trợ, giảm gánh nặng cho hệ thống bệnh viện công.

Làm rõ hơn về trách nhiệm và vai trò thì y tế công lập có nhiệm vụ đảm bảo các lĩnh vực mà tư nhân không làm được hoặc ít có điều kiện tham gia như y tế dự phòng, y tế công cộng, điều trị các bệnh xã hội, hiểm nghèo, khám chữa bệnh cho mọi đối tượng tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…Về phần mình, y tế tư nhân đóng vai trò: Chia sẻ trách nhiệm với y tế công, góp phần giải quyết các gánh nặng y tế kể cả ở tuyến y tế cơ sở; Giúp người bệnh được nhiều cơ hội lựa chọn cơ sở điều trị; Tạo ra nhiều cơ hội phát triển công nghệ cao trong y tế; Góp phần đào tạo cán bộ, đặc biệt là các chuyên gia kỹ thuật cao; Tạo ra đối trọng với y tế công để xây dựng cơ chế minh bạch trong đầu tư – tài chính và năng động trong quản lý.

Chính vì vậy, thay vì tạo ra sự cạnh tranh với bệnh viện công lập và những bệnh viện tư nhân khác thì thông qua CĐS, hệ thống bệnh viện tư nhân đã cùng hợp sức, tạo nên sự liên kết chặt chẽ, công bằng, minh bạch với mục tiêu lớn nhất là mang lại dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao cho người dân.

Kinh doanh trong lĩnh vực y tế vốn là một bài toán kinh tế khó và phức tạp bởi phải cân bằng cả hai yêu tố: lợi nhuận và lợi ích cộng đồng. Chính vì vậy, ngoài việc củng cố chuyên môn, gia tăng chất lượng dịch vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin chính là hướng đi đúng đắn và mang lại giá trị lâu bền cho hệ thống bệnh viện tư nhân trên hành trình chuyển đổi số./.

Lĩnh vực của chúng tôi

Hệ sinh thái