News Hub News Hub

XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU Y TẾ QUỐC GIA – BƯỚC QUAN TRỌNG TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ

02/12/2021
Tuyết Nguyễn

Thông tin dữ liệu y tế yêu cầu độ chính xác cao, theo thời gian thực, đòi hỏi sự bảo mật cao. Việc có cơ sở dữ liệu y tế tập trung không chỉ giúp giải quyết tình trạng thiếu đồng bộ thông tin trong khám chữa bệnh, mà còn mang ý nghĩa lớn với hoạt động của toàn ngành y và cho cả cộng đồng.

Tham gia mở đầu tại Chuyên đề Chuyển đổi số trong Y tế (ngày 1/12/2021) tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam, Ông Nguyễn Francis Tuấn Anh – Cố vấn Công nghệ & Giải pháp VMED Group đã chia sẻ tham luận về Cơ sở dữ liệu Y tế tập trung quốc gia.

Hàng trăm triệu dữ liệu sức khỏe cá nhân đang phân tán

Hiện nay, hiện trạng dễ nhận thấy là thông tin sức khỏe cá nhân chưa được dữ liệu hóa một cách tập trung, mà phân tán tại nhiều nền tảng cả điện tử lẫn lưu trữ truyền thống như: hệ thống quản lý thông tin ở các bệnh viện & cơ sở y tế; hệ thống bảo hiểm, hệ thống quản lý thông tin & chẩn đoán hình ảnh (PACS); hệ thống quản lý xét nghiệm; các thiết bị y tế tại nhà…

Điều đó dẫn đến quá trình khám chữa bệnh đối mặt với những vấn đề như: quá tải vì thủ tục giấy tờ, tốn thời gian cho việc tìm kiếm thông tin tiền sử bệnh nhân đầy đủ… Về phía bệnh nhân, họ cũng có những trải nghiệm bất tiện khi phải xếp hàng chờ đến lượt cũng như quản lý sức khỏe của bệnh nhân.

CSDL YT QG mang lại giá trị rõ ràng cho các bác sỹ, bệnh nhân và bệnh viện quản lý.

Theo ông Nguyễn Francis Tuấn Anh, hệ thống Cơ sở dữ liệu Y tế Quốc gia (CSDL YT QG) sẽ là hệ thống kết nối tất cả các nguồn thông tin nêu ở phần trên, tạo nên một kho dữ liệu nhất quán, đầy đủ, tiện lợi. CSDL YT QG chính là một hệ thống đồng hành cùng bác sĩ và bệnh nhân, mang lại những thay đổi tích cực cho ngành y tế Việt Nam.

Hệ thống đó thu thập dữ liệu cho bệnh nhân và bác sĩ từ giai đoạn trước thăm khám, trong quá trình thăm khám điều trị đến giai đoạn sau điều trị, thông qua các hệ thống đặt lịch khám trực tuyến, bệnh án điện tử, hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ sức khỏe cá nhân… Từ đó, Bác sĩ và bệnh viện cải thiện chất lượng điều trị, tiết kiệm các chi phí giấy tờ và có thêm nguồn lực vào việc nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế nhận định hệ thống Cơ sở dữ liệu Y tế Quốc gia là một vấn đề rất tâm huyết của ngành Y tế Việt Nam, sẽ từng bước được thực hiện theo các kế hoạch, cũng như rất mong muốn có sự đồng hành của các chuyên gia CNTT trong lĩnh vực y tế.

Hạ tầng y tế số là cần thiết

Cùng với CSDL YT QG, các vấn đề khác của quá trình chuyển đổi số y tế cũng được các diễn giả thảo luận sôi nổi. Về định hướng của Bộ Y tế, ông Nguyễn Trường Nam chia sẻ “Tầm nhìn của chuyển đổi số ngành Y tế tới năm 2030 là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh, với ba nội dung chính là: phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.”.

Các diễn giả đến từ Bộ Y tế, doanh nghiệp công nghệ y tế, bệnh viện… thảo luận tại diễn đàn.

Tham gia Diễn đàn với tư cách một bệnh viện chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng chuyển đổi số vào quản trị thông tin và số hóa các thủ tục khám chữa bệnh, đại điện Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mang đến những con số đáng chú ý. Bắt đầu xây dựng lộ trình chuyển đổi số từ năm 2016, cho đến nay đơn vị đã nâng cao năng suất phục vụ người bệnh thêm 20%, thời gian nằm viện giảm 12%, thời gian chờ khám trung bình giảm 20%. Chi phí văn phòng phẩm, giấy tờ giảm khoảng 1 tỷ/ năm. Đồng thời, các chi phí thuê kho lưu trữ giấy tờ và lượng rác thải ra môi trường cũng giảm theo.

Chia sẻ về xu hướng chuyển đổi số trong y tế ở thế giới, ông Trần Quốc Dũng – Tổng Giám đốc Ominext Group, đơn vị cung cấp giải pháp và tích hợp hệ thống cho các đối tác ở Nhật Bản, cho biết hiệu quả tối ưu phi phí y tế tại Nhật sau khi chuyển đổi số là 204,52 tỷ yên (khoảng 2 tỷ USD).

Các diễn giả tham gia chuyên đề đều khẳng định các đơn vị Bệnh viện, cơ sở y tế xác định chuyển đổi số phải xây dựng lộ trình dài hạn, cụ thể. Trong đó bước đầu cần rà soát tổng thể các nguồn lực đang có: hạ tầng công nghệ, nguồn dữ liệu, nhân lực… để tạo ra chiến lược phù hợp với đặc thù của từng đơn vị. Trong đó, hạ tầng y tế số cần được xây dựng từ “phần lõi” như hệ thống server, trục cáp quang, các hệ thống ứng dụng cốt lõi của bệnh viện như HIS, LIS, PACS… có tiêu chuẩn chung, dễ kết nối và đồng bộ. Đội ngũ nhân lực ngành y tế cần thường xuyên được đào tạo nâng cao năng lực tương ứng với ứng dụng, thao tác của các hạng mục cụ thể như bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử, khám chữa bệnh từ xa…

Ông Nguyễn Francis Tuấn Anh từ VMED Group khẳng định một yếu tố nữa rất quan trọng trong quá trình này là tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin bệnh nhân theo đúng hành lang pháp lý Việt Nam, phân biệt rõ sự khác nhau về quy định này ở y tế mỗi quốc gia nếu có sự hợp tác khám chữa bệnh quốc tế.

Diễn đàn Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Vietnam DX Summit 2021) được tổ chức từ 30/11 đến 4/12/2021, với hình thức 100% trực tuyến và phát sóng trên các nền tảng truyền thông. Đây là một trong những diễn đàn thường niên quy mô nhất Việt Nam với những nội dung cụ thể: Cập nhật xu thế chuyển đổi số; giới thiệu phương pháp chuyển đổi số hiệu quả; chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số thành công và kết nối cung cầu chuyển đổi số.

Chương trình có sự tham gia của hơn 80 diễn giả là các nhà lãnh đạo, chuyên gia trong ngành, cùng hơn 8.000 đại biểu chia sẻ, bàn thảo tại 11 phiên chuyên đề tập trung vào những vấn đề nóng nhất trong chuyển đổi số các ngành trọng điểm: tài chính – ngân hàng, y tế, nông nghiệp, giao thông vận tải – logistic, bất động sản, sản xuất công nghiệp, an ninh thông tin…/.

Our Business

Our Business