Telemedicine trong y học cổ truyền: “Cánh tay nối dài” trong dịch vụ y tế

08/02/2021
Suckhoedoisong.vn – Telemedicine là một danh từ ghép, bắt nguồn từ “tele” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “từ xa” và “medicine” trong tiếng Latin là “mederi” nghĩa là “điều trị”. Năm 1970, lần đầu tiên khái niệm Telemedicine được phổ biến, nhằm mô tả cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân từ xa, thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở đây có thể bao gồm cả chẩn đoán và điều trị, cung cấp thuốc men, tư vấn, dự phòng; bảo hiểm y tế, giảng dạy, nghiên cứu…

Từng bước hoàn thiện hóa một mô hình

Sử dụng Telemedicine trong lĩnh vực y học cổ truyền (YHCT) cũng có những yêu cầu tương tự như đối với các lĩnh vực khác của y học hiện đại. Vấn đề là chúng ta có thể vận dụng telemedicine trong trường hợp nào là phù hợp, dựa trên đặc điểm riêng của ngành YHCT.

Tuy nhiên, việc sử dụng Telemedicine trong YHCT còn gặp khá nhiều rào cản, do đặc thù khámbệnh theo phương pháp YHCTgồm có bốn bước, gọi là tứ chẩn: Vọng, văn, vấn, thiết. Đối chiếu sang Tây y có: Nhìn, sờ, gõ, nghe.

– Vọng: Là nhìn, quan sát hình thái, vóc dáng, động thái, sắc mặt, màu sắc của da, lông, tóc móng; hình thái, cử động của lưỡi, màu sắc rêu lưỡi. Vọng có thể thực hiện từ xa, nhưng kết quả quan sát có thể bị chi phối do chất lượng của thiết bị.

– Văn: Là nghe, ngửi: Nghe tiếng nói, tiếng ho, tiếng nấc, tiếng thở của người bệnh. Ngửi: Là ngửi khí vị, ngửi hơi thở thậm chí ngửi phân, nước tiểu của người bệnh. Việc “nghe” thầy thuốc có thể thực hiện từ xa, nhưng chất lượng âm thanh có thể bị chi phối do chất lượng của thiết bị. Còn về “ngửi” thì có thể nhờ người bệnh mô tả hoặc nhờ thầy thuốc ở gần người bệnh cung cấp thông tin.

– Vấn: Là hỏi, để biết nóng, lạnh, hỏi về mồ hôi, vị trí đau, hỏi về tiểu tiện, đại tiện, hỏi về kinh nguyệt, hỏi về nguyên nhân gây bệnh. “Vấn” có thể thực hiện từ xa được.

– Thiết: Sờ nắn vùng bụng, lòng bàn chân, tay, vùng bị bệnh,bắt mạch để chẩn bệnh. Việc này bắt buộc phải có sự tương tác trực tiếp giữa người bệnh và thầy thuốc.  Bởi không máy móc nào có thể thay thế cảm nhận trực tiếp của thầy thuốc được.

Ngày nay việc khám và chẩn đoán YHCT còn có sự kết hợp của các phương tiện cận lâm sàng hiện đại, kết quả này có thể được lưu trữ và trao đổi từ xa. Cho nên 4 bước “Vọng, văn, vấn, thiết” không phải là nguồn cung cấp thông tin duy nhất để thầy thuốc ra quyết định điều trị. Có một số trường hợp bệnh lý đặc biệt, bắt buộc phải có đầy đủ dữ liệu qua “Vọng, văn, vấn, thiết” mới có thể ra quyết định điều trị được. Những trường hợp bệnh lý khác thì chỉ cần “vọng, vấn” kết hợp với kết quả cận lâm sàng là thầy thuốc có thể giúp bệnh nhân điều trị từ xa được.

– Trong kết nối giữa người bệnh và cơ sở y tế: Đối với những bệnh mạn tính, người bệnh đã có thăm khám trước đó tại cơ sở y  tế, có dữ liệu về sức khỏe, thì có thể thực hiện thăm khám từ xa. Bệnh mạn tính chiếm số lượng khá nhiều trong điều trị YHCT nên có thể ứng dụng khá tốt. Tuy nhiên qua thăm khám từ xa, thầy thuốc cần hỏi bệnh kỹ để kịp thời phát hiện các bất thường để đưa ra hướng dẫn phù hợp cho người bệnh. Nếu thấy cần thiết thì đề nghị thăm khám trực tiếp tại cơ sở y tế gần nhất hoặc tái khám tại bệnh viện đang theo dõi. Như vậy việc tái khám và gặp bác sĩ trực tiếp sẽ hạn chế lại, chỉ thực hiện khi cần.

Việc kết nối người bệnh với cơ sở y tế bằng Telemedicine được xem là phương tiện bổ sung, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, không thay thế cho việc tiếp xúc trực tiếp giữa người bệnh và nhân viên y tế, không làm giảm nỗ lực tăng cường nguồn nhân lực y tế, mà chỉ là mở thêm một kênh giao tiếp.

Các cơ sở y tế YHCT cũng như các cơ sở y tế nói chung không dễ dàng cùng một lúc đạt được cả ba mục tiêu quan trọng trong quản lý y tế: vừa tăngtrải nghiệm cho bệnh nhân và hiệu quả điều trị; vừa tiếp cận được số đông cộng đồng; đồng thời giảm thiểu được chi phí.

Theo đó, Telemedicine là phương tiện kỹ thuật hỗ trợ đồng thời ba mục tiêu trên nhờ có thể cải thiện kết quả điềutrị; mở rộng tiếp cận y tế vàgiảm chi phí; cung cấp dịch vụ mà không bị phụ thuộc thời gian, khoảng cách. Giảm thiểu tâm lý âu lo của bệnh nhân khi đến bệnh viện.

Ứng dụng telemedicine trong thực tế

Tùy trường hợp mà telemedicine có thể ứng dụng thay thế hoàn toàn, nhiều phần hoặc chỉ một phần nhỏ.

– Giảng dạy: Đối với giảng dạy YHCT, các học phần lý thuyết có thể học trực tuyến, kiểm tra trực tuyến. Học phần thực hành thì vẫn cần đến trực tiếp các cơ sở giảng dạy.

– Chia sẻ thông tin giữa các thầy thuốc: Các y bác sĩ YHCT giữa tuyến trên và tuyến dưới có thể thực hiện khám chữa bệnh từ xa: chia sẻ thông tin về các dấu hiệu lâm sàng quan trọng hoặc dữ liệu chẩn đoán và truyền tải các tập tin như hình ảnh để xem xét, để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị. Thực hiện cầu truyền hình y tế, triển khai bệnh viện vệ tinh… Hạn chế việc phải chuyển tuyến,  tiết kiệm chi phí đi lại, chi phí ăn, ở tại các thành phố, đô thị cho người bệnh và người nhà người bệnh; góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Việc kết nối người bệnh với cơ sở y tế bằng Telemedicine được xem là phương tiện bổ sung, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, không thay thế cho việc tiếp xúc trực tiếp giữa người bệnh và nhân viên y tế, không làm giảm nỗ lực tăng cường nguồn nhân lực y tế, mà chỉ là mở thêm một kênh giao tiếp. Có thể cải thiện kết quả điều trị; mở rộng tiếp cận y tế và giảm chi phí; cung cấp dịch vụ mà không bị phụ thuộc thời gian, khoảng cách. Giảm thiểu tâm lý âu lo của bệnh nhân khi đến bệnh viện.

– Giúp cải cách trong quản lý hành chính: Y tế điện tử, bệnh viện không giấy tờ rất ưu việt trong quản lý thông tin, dữ liệu, quản lý thuốc, khám chữa bệnh…Từ đó, công tác đón tiếp bệnh nhân, thu phí, được nhanh chóng, tiện lợi hơn.

– Làm truyền thông về y tế qua website, fanpage, youtube về YHCT cũng là 1 dạng telemedicine

Đây có thể là phương thức hỗ trợ phù hợp cho tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng lợi ích của y tế từ xa vẫn còn quá nhiều thách thức: nguồn nhân lực IT trong các bệnh viện rất mỏng, trình độ chuyên môn chưa theo kịp sự phát triển của các công nghệ y tế. Rất ít công ty tin học đầu tư vào y tế, do phần mềm y tế phức tạp, trong khi giá phần mềm nước ngoài đắt đỏ.Phần mềm trong các bệnh viện không theo quy chuẩn cũng đang là “rào cản” cho việc trao đổi và đồng bộ hóa dữ liệu. Việc triển khai hệ thống mới song song với việc duy trì khám chữa bệnh cũng khá khó khăn, vấn đề hạ tầng kỹ thuật, vấn đề pháp lý… Tuy nhiên, hy vọng những rào cản này sẽ sớm được khắc phục.

Mặc dù YHCT có những đặc thù, sẽ khó để áp dụng hơn so với y học hiện đại, nhưng không phải là không thể. Nếu linh hoạt sử dụng thì sẽ rất tiện lợi cho người dân và thầy thuốc, tiết kiệm chi phí, thời gian và phát huy được sức mạnh của dịch vụ y tế YHCT.

BS.CKII HUỲNH TẤN VŨ

Các bài viết liên quan

Lĩnh vực của chúng tôi

Hệ sinh thái