Không chỉ có COVID mới nguy cấp

Giữa tình hình dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng, tưởng chừng như toàn bộ sự tập trung và ưu tiên đều đổ dồn vào việc: phát hiện – dập dịch – điều trị bệnh thì vẫn còn rất nhiều trường hợp nguy cấp cần đến sự linh hoạt và kịp thời của đội ngũ y bác sĩ. Ngày 22/06/2021, các bác sĩ tại TTYT Quân Dân Y Côn Đảo đã nhanh chóng, kịp thời cứu sống 1 bệnh nhân nguy kịch thông qua hệ thống Tele-ICU kết nối với các bác sĩ tại Bệnh viện Bà Rịa.

Bệnh nhân nam, 63 tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy cấp: lơ mơ, điểm hôn mê GCS 11, mạch 112, huyết áp 70/40 mmHg, sốt cao 40 độ C. Đánh giá tính chất nghiêm trọng của ca bệnh, các bác sĩ tại TTYT Quân Dân Y Côn Đảo ngay lập tức kết nối với Bệnh viện Bà Rịa để hội chẩn thông qua Tele-ICU để trao đổi thông tin và tình trạng lâm sàng. Bệnh viện Bà Rịa đã trực tiếp chỉ đạo tiến hành siêu âm IVC (do áp lực tĩnh mạnh chủ dưới) và XQuang phổi. Chẩn đoán sốc nhiễm trùng do viêm mô tế bào, trên nền bệnh tăng HA, đái tháo đường type II, bệnh thận mạn. Các bác sĩ đã phối hợp ra phác đồ sử dụng thuốc điều trị đường huyết, điện giải, kháng sinh và vận mạch. Đến sáng ngày 23/6/2021, ghi nhận bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, người nhà xin chuyển viện vào đất liền tiếp tục điều trị.

Bác sĩ tại BV Bà Rịa trực tiếp theo dõi và chỉ đạo đến Khoa Cấp cứu TTYT Quân Dân Y Côn Đảo thông qua Hệ thống Tele-ICU

Trong quá trình phối hợp, hệ thống Tele-ICU đã kết nối thông tin liên tục, chính xác và nhanh chóng về số sinh hiệu, tình trạng bệnh nhân và đảm bảo giao tiếp giữa 2 đầu cầu. Bác sĩ Cao Văn Thái – TTYT Quân Dân Y Côn Đảo cho biết, nhờ hệ thống này mà đội ngũ tại Côn Đảo mạnh dạn hơn trong việc điều trị và tự tin hơn rất nhiều khi nhận các ca Cấp cứu.

Rõ ràng, kiểm soát dịch Covid -19 là ưu tiên hàng đầu, nhưng đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện vẫn liên tục trau dồi và cập nhật kiến thức, công nghệ để vừa chống dịch, vừa duy trì hoạt động khám chữa bệnh toàn dân một cách hiệu quả. Sau khi hoàn thiện hệ thống Telemedicine, TTYT Quân Dân Y Côn Đảo đã thực hiện nhiều ca cứu sống bệnh nhân cũng như thường xuyên trao đổi chuyên môn với các bệnh viện tuyến trên.

VMED Group luôn mong muốn mang công nghệ y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mang bác sĩ giỏi từ tuyến trên tới những nơi vùng sâu, vùng xa, hải đảo bất cứ lúc nào. Giúp người dân được điều trị tốt nhất.

Trong bối cảnh dịch bênh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, việc ứng dụng Hệ thống khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu Telemedicine là giải pháp hiệu quả giúp giảm tải bệnh viện tuyến trên, tăng cường kết nối, tạo ra mạng lưới bền vững, rộng lớn giữa các bệnh viện, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Việc kết nối người bệnh với cơ sở y tế bằng Telemedicine được xem là phương tiện bổ sung, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, không thay thế cho việc tiếp xúc trực tiếp giữa người bệnh và nhân viên y tế, không làm giảm nỗ lực tăng cường nguồn nhân lực y tế, mà chỉ là mở thêm một kênh giao tiếp.

Telemedicine có thể cải thiện kết quả điều trị; mở rộng tiếp cận y tế và giảm chi phí; cung cấp dịch vụ mà không bị phụ thuộc thời gian, khoảng cách. Giảm thiểu tâm lý âu lo của bệnh nhân khi đến bệnh viện.

Hiểu rõ được tầm quan trọng và lợi ích của Telemedicine, VMED Group cũng không nằm ngoài xu hướng nghiên cứu, phát triển, đưa Telemedicine đến gần hơn với cộng đồng, mang đến một phương pháp khám – chữa bệnh hiện đại và hiệu quả.

Đại học Bách Khoa Hà Nội và VMED Group hợp tác nghiên cứu sản xuất máy Oxy dòng cao BKVM-HF1

Cuối tháng 5/2021, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group đã hợp tác triển khai Dự án nghiên cứu sản xuất máy oxy dòng cao BKVM-HF1 phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Toàn bộ chi phí sản xuất lô sản phẩm đầu tiên của dự án được sự tài trợ từ Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí PETROSETCO.

Máy oxy dòng cao (HFNC-High Flow Nasal Cannula) được nghiên cứu sản xuất từ nhu cầu cao trong điều trị COVID-19 tại các cơ sở y tế và sự quan tâm tăng cường các trang thiết bị y tế từ các Bộ ngành, Chính phủ.

Máy có chức năng cung cấp liên tục khí thở lưu lượng cao (lên tới 60l/phút) với nồng độ oxy điều chỉnh được (từ oxy không khí đến nguyên chất). Dòng khí thở được ổn định ở 37 oC với độ ẩm bão hòa và cấp qua gọng mũi để giúp điều trị bệnh nhân suy hô hấp.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tập hợp các chuyên gia khoa học công nghệ và đội ngũ chuyên gia từ VMED Group phối hợp tiến hành nghiên cứu sản xuất máy oxy dòng cao ký hiệu BKVM-HF1.

Ngày 02/07/2021, tại VP. VMED Group, đã diễn ra Lễ công bố máy oxy dòng cao BKVM-HF1. GS.TS Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam nhận định việc chủ động sản xuất được máy oxy dòng cao là một bước tiến mà nhẽ ra cần làm từ rất lâu rồi: “Trong dịch COVID-19, tỷ lệ bệnh nhân suy hô hấp mức độ vừa khá cao. Việc tạo ra một thiết bị ứng dụng công nghệ oxy dòng cao với kỹ thuật đơn giản, rất dễ sử dụng, giá thành hợp lý thì có thể ứng dụng được với rất nhiều bệnh nhận. Đặc biệt, trong dịch bệnh, đều phải huy động hết lực lượng cán bộ y tế, chỉ chuyên khoa không thì không đủ, nên với máy thao tác đơn giản lại sử dụng hiệu quả là vô cùng hữu ích.

Máy oxy dòng cao BKVM-HF1 được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm của VMED Group

Máy được đo lường tại phòng thử nghiệm của VMED Group, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở bởi HUST, giám định kỹ thuật từ Vinacontrol, thử nghiệm tại Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, và được Bộ Y tế quyết định lưu hành vào giữa tháng 6/2021.

 “Trong đợt dịch COVID-19, HFNC có vai trò vô cùng quan trọng với nhóm bệnh nhân nặng, giúp bênh nhân đảm bảo hô hấp trong quá trình bệnh tiến triển. Rất nhiều bệnh nhân nhờ sự trợ giúp của phương tiện thở không xâm nhập này thì đã tránh được can thiệp xâm nhập như đặt nội khí quản. Qua thực tế chúng tôi nhận thấy phương tiện này đã giúp giảm đáng kể số lượng bệnh nhân phải đặt nội khí quản, từ đó giảm tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng.” PGS. TS. BSCC Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đánh giá.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hoan nghênh và đánh giá cao kết quả nghiên cứu này. Ông và các đơn vị chuyên môn Bộ Y tế đã hỗ trợ nhanh thủ tục pháp lý để có thể sản xuất hàng loạt máy oxy dòng cao BKVM-HF1.

Ông Ngô Thanh Sơn Phó Tổng Giám đốc VMED Group khẳng định “Chúng tôi tự hào được đồng hành cùng Đại học Bách khoa Hà Nội làm ra một sản phẩm có giá trị ứng dụng cao để kịp thời chuyển đến các điểm nóng về điều trị COVID-19, cũng như nhanh chóng trang bị cho các bệnh viện phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19”.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Sau sự khởi đầu này, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp trí tuệ, nghiên cứu, sáng tạo ra HF2, HF3…, để góp sức giúp ngành y, giúp các bệnh nhân chống lại đại dịch Covid-19. Các dòng sản phẩm được sáng tạo bởi nhà khoa học Việt Nam, được sản xuất bởi doanh nghiệp Việt Nam trước hết phục vụ người dân Việt Nam, nhưng cũng mong sẽ đến ngày vươn đến các thị trường khác.

Đại diện VMED & Đại học Bách khoa ký kết MOU

Vào giai đoạn 1 của dự án, 30 máy BKVM-HF1 đầu tiên đã được Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí PETROSETCO thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ toàn bộ chi phí sản xuất, trị giá 1,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đăng Quang Chủ tịch HĐQT – Công ty CP Quản lý & Khai thác Tài sản PSA

trực thuộc  PETROSETCO trao tặng 1,5 tỷ đồng tài trợ cho Nhóm dự án

Các hoạt động vì cộng đồng là một phần quan trọng trong văn hóa của PETROSETCO trong suốt 25 năm hình thành và phát triển. Thấu hiểu bối cảnh khó khăn chung của đất nước cũng như giá trị to lớn của việc kết nối các nguồn lực trong xã hội, chúng tôi rất tự hào và sẵn sàng góp nguồn lực, đồng hành với VMED Group và Đại học Bách khoa Hà Nội trong dự án này. Hy vọng rằng các sản phẩm được làm ra từ chính tâm huyết và trí tuệ này sẽ giúp các bác sĩ nơi tuyến đầu kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân, góp phần sớm đưa Việt Nam vượt qua đại dịch” – Ông Phùng Tuấn Hà Chủ tịch PETROSETCO bày tỏ.

Vào giai đoạn 2 của dự án, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group xây dựng phương án triển khai sản xuất với số lượng lớn và đồng bộ với các hệ thống khác trong bệnh viện để nâng cao hiệu quả cứu chữa bệnh nhân.

Vận hành máy oxy dòng cao luôn cần nguồn cấp khí và oxy y tế. Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ nhóm nghiên cứu PGS. Vũ Đình Tiến chế tạo hệ thống khí y tế theo TCVN 8022-1:2009 có thể dùng cho 10 máy oxy dòng cao cùng lúc. Nhóm đã chế tạo thành công máy oxy y tế lưu lượng 60l/phút có độ tinh khiết đến 93% oxy có thể phục vụ linh hoạt cho tuyến y tế cơ sở.

Hiện tại nhóm nghiên cứu của 2 bên đang tiếp tục hoàn thiện máy làm giàu oxy từ không khí để tích hợp thêm vào hệ thống và nâng cấp tính năng cao cho các máy BKVM được sản xuất tiếp theo. Giải pháp này đặc biệt cần thiết cho các bệnh viện dã chiến.

Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group tiếp tục nghiên cứu sản xuất quy mô lớn, hoàn thiện sản xuất hệ thống tích hợp làm giàu oxy không khí di động và đặc biệt là thiết bị xét nghiệm sàng lọc nhanh các biến thể virus SARS-CoV-2./.

Lĩnh vực của chúng tôi

Hệ sinh thái