Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh: Cần đột phá công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế

(VOV5) – “Mặc dù là phát triển ở bên trong Việt Nam, make in Vietnam, nhưng những sản phẩm đó phải theo tiêu chuẩn quốc tế và có thể sánh vai với những phần mềm công nghệ thông tin y tế khác của thế giới.”

Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh, người Mỹ gốc Việt, chuyên gia công nghệ thông tin, hiện là cố vấn đối tác chiến lược, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp của Bộ Khoa học và công nghệ, và cố vấn cấp cao Công nghệ và giải pháp của tập đoàn VMED Group. Trước đây, ông đã từng là Giám đốc truyền bá công nghệ của Microsoft Vietnam, vận hành Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Y tế số của Microsoft APAC,  kiến trúc sư Giải pháp Điện toán Đám mây, và tư vấn giải pháp cho các doanh nghiệp Vietnam trong các lĩnh vực chuyển đổi số lên điện toán Đám mây.

Tại Hội thảo MedTech 4.0 mới đây, ông Francis Nguyễn Tuấn Anh đã giới thiệu về phần mềm Bệnh án điện tử – một sáng chế trong lĩnh vực công nghệ thông tin y tế do ông cùng học trò phát minh, với mục tiêu nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh trả lời phỏng vấn VOV5 về việc chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh, người Mỹ gốc Việt, chuyên gia công nghệ thông tin, hiện là cố vấn đối tác chiến lược, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp của Bộ Khoa học và công nghệ.

PV: Vâng thưa ông, trong hội thảo MedTech 4.0 mới đây, ông có nói về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, và đã đưa ra những chỉ báo không thể nhầm lẫn giữa việc chuyển đổi số với việc số hóa?

Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh: Có ba vấn đề rất quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin y tế: Thứ nhất, khi nói về chuyển đổi số y tế thì thực sự phải chuyển đổi số chứ không phải chỉ là số hóa.

Sự khác biệt giữa chuyển đổi số và số hóa như thế nào? Ví dụ, số hóa là chúng ta lấy một văn bản bằng giấy, xong ta scan nó để trở thành một văn bản điện tử (vẫn phải in ra để ký – PV). Còn chuyển đổi số thì phải làm một bước xa hơn. Ví dụ trong cải tiến quy trình khám chữa bệnh của một bác sĩ: Số hóa là khám chữa bệnh bằng màn hình phần mềm quản lý bệnh viện, sau đó lại chuyển qua màn hình khác để khám chữa bệnh. Nhưng chuyển đổi số thì phải làm thế nào để bác sĩ có thể dùng phần mềm quản lý bệnh viện, qua một giao diện màn hình được thiết kế y như văn bản giấy mà bác sĩ vẫn quen dùng để khám chữa bệnh. Đây chính là ví dụ về chuyển đổi số trong y tế. Tức là thay vì dùng e-form thì chúng ta dùng e-document (Chứng từ điện tử là thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có thể ký trực tiếp bằng chữ ký điện tử – PV) để làm Hồ sơ bệnh án. 

Khi làm được việc này sẽ giúp các bác sĩ rất nhiều: thay vì phải ghi chép từ màn hình phần mềm quản lý bệnh viện xuống một hồ sơ bệnh án giấy, thì bác sĩ chỉ cần ấn một nút và tất cả những dữ liệu từ phần mềm quản lý bệnh viện sẽ chuyển sang phần mềm Hồ sơ Bệnh án điện tử. Văn bản y chang tờ giấy đó được thiết kế ở phần mềm máy tính. Vì vậy, bác sĩ sẽ giảm được thao tác và làm được mọi thứ nhanh chóng hơn.

Tất cả những công nghệ này đều có mục tiêu và mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng, dịch vụ khám chữa bệnh. Thay vì phải thao tác trên phần mềm, bác sĩ sẽ có nhiều thời gian hơn để khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân được mở rộng cho tất cả người bệnh chứ không phải chỉ là bệnh nhân có điều kiện. Đó chính là mục tiêu xứng đáng của ngành y tế.

Nếu chỉ nói đến chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, theo ông, việc cần phải làm nhất trong lĩnh vực này là gì?

Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh: Cần phải có đột phá công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế. Mặc dù là phát triển ở bên trong Việt Nam, make in Vietnam, nhưng nó phải theo tiêu chuẩn quốc tế và có thể sánh vai với những phần mềm công nghệ thông tin y tế khác của thế giới.

Có một việc bắt buộc phải làm, mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam quên không làm là chúng ta phải đăng ký bản quyền Việt Nam, đăng ký bằng sáng chế ở Mỹ. Đây là thông điệp mà tôi muốn gửi đến tất cả các công ty phần mềm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Vì bản thân tôi đã trải qua quá trình gần năm năm để thực hiện giải pháp Hồ sơ Bệnh án điện tử này trên nền e–doccument chứ không phải e–form) và đăng ký bản quyền Việt Nam, đăng ký bằng sáng chế tại Mỹ. Đây thực sự là niềm tự hào của tôi khi phần mềm Hồ sơ Bệnh án Điện tử trên nền e–document được công nhận bởi tổ chức Sáng chế của Mỹ, US Patent Office. Tôi đã được cấp bản quyền sáng chế này .

Bằng Sáng chế Mỹ đã được cấp cho giải phápvề Bệnh án điện tử của ông Francis Nguyễn Tuấn Anh và các cộng sự.

Ông có thể nói chi tiết hơn về sáng chế này?

Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh:  Sáng chế của chúng tôi có tên CLAS Healthcare EMR là giải pháp bệnh án điện tử có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương với bệnh án giấy, tuân thủ theo các tiêu chí tại thông tư 46 và 54 quy định về Bệnh án điện tử mà Bộ Y tế đã ban hành.

Giải pháp được xây dựng và hỗ trợ công nghệ từ các chuyên gia kinh nghiệm hàng đầu tập đoàn Microsoft với các điểm nổi trội: xây dựng trên nền tảng e-document, không phải e-form;  linh động khi thay đổi mẫu biểu vì là e-document; ghi vết thay đổi dữ liệu (change tracking) và có thể ký số hay ký điện tử xác thực dùng công nghệ blockchain trên từng y lệnh, tờ bệnh án, toàn bộ bệnh án vì là e-document;  khả năng ứng dụng máy học và trí tụê nhân tạo để phân tích dữ liệu trong e-document.  

Thưa ông, sáng chế này đã được áp dụng thực tế ở những đơn vị nào tại Việt Nam?

Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh: Sáng chế về phần mềm Hồ sơ bệnh án điện tử này đã được áp dụng thực tế tại hai bệnh viện: Đó là bệnh viện Đa Khoa Long Khánh, đã chuyển đổi được thành bệnh viên không giấy. Và bệnh viện có thể dùng Hồ sơ Bệnh án Điện tử này để nộp cho bảo hiểm xã hội và được thanh toán bảo hiểm y tế. Việc này giúp các bác sĩ rất nhiều trong việc tiến tới một bệnh viện thông minh, từ việc sử dụng Hồ sơ Bệnh án Điện tử đến việc trở thành bệnh viện không giấy .

Bệnh viện thứ hai áp dụng thực tế là bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Bệnh viện này chúng tôi đang hoàn tất và đăng ký với Bảo hiểm xã hội để Hồ sơ Bệnh án điện tử được bảo hiểm y tế chấp nhận.

Ngoài hai bệnh viện này, chúng tôi cũng áp dụng ở một số phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa để phục vụ bệnh nhân trên diện rộng chứ không chỉ nhất thiết là bệnh viện.

Từ một chuyên gia hàng đầu ở Microsoft, đến giờ chặng đường chuyển đổi của ông chuyên sâu hẳn trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe. Với ông thì mục tiêu của chặng đường mới này là gì?

Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh: Khi giữ vị trí Giám đốc Truyền Bá Công Nghệ của Microsoft Vietnam (2012 – 2018) và vận hành TT Đổi mới Sáng tạo Y tế số của Microsoft APAC (2015 – 2018), tôi thấy mình có thể đóng góp rất nhiều cho việc phát triển ngành công nghệ thông tin của Vietnam từ trường học cấp 1-cấp 3, đại học, bệnh viện, cty phần mềm, doanh nghiệp,… Khi vị trí này không tồn tại, tôi đổi qua vị trí Kiến trúc sư Giải Pháp Điện toán Đám mây (2018-2020), và tư vấn các doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lãnh vực chuyển đổi số giải pháp của họ lên Điện toán Đám mây. Tuy nhiên, công việc này mang tính chất thương mại nhiều hơn tính chất cộng đồng và thương mại trong mọi lãnh vực. Trong khi tôi thật sự chỉ đam mê lãnh vực y tế và muốn tập trung toàn tâm toàn ý nên quyết định chọn lối đi riêng.

Sẵn sàng song hành cùng một tầm nhìn ‘không ở ngay trước mắt, tôi đã về VMED Group – một trong những đơn vị hiếm tại Việt Nam có đầy đủ hệ sinh thái cho chăm sóc sức khoẻ tương lai. Tôi về làm Cố vấn Cấp Cao Công Nghệ và Giải Pháp cho Tập đoàn. Mục tiêu của tôi cũng như của tập đoàn là xây dựng Hệ sinh thái và Nền tảng tích hợp Y tế số (thiết bị Y tế, phần mềm, dữ liệu KCB). Khát vọng của VMED là “Connect, Healthier, Happier” có thể tạm dịch: “Kết nối vì một Việt Nam khỏe mạnh và hạnh phúc hơn”. Vì thế, tôi hy vọng những đóng góp của mình trong lãnh vực CNTT Y tế nói chung và thông qua VMED Group nói riêng sẽ giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ y tế Việt Nam, để khám chữa bệnh ban đầu hiệu quả hơn và người dân không phải lên tuyến trên trừ khi cần thiết, giống như tại Châu Âu và Châu Mỹ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
 
Phần mềm Bệnh án Điện tử có tên CLAS Healthcare EMR là giải pháp bệnh án điện tử  do ông Francis Nguyễn Tuấn Anh và cộng sự sáng chế năm 2018, đã thắng giải Triển vọng nhất trong Cuộc thi Y tế thông minh của Bộ Y tế tổ chức cùng năm; vào Top Ten Giải thưởng Khoa học công nghệ Sao Khuê, Giải thưởng Công nghệ thông tin của Đông Nam Á Giải pháp và được US Patent Office cấp Bằng Sáng Chế Mỹ

 

Nguồn: https://vovworld.vn/vi-VN/khach-moi-cua-vov/ong-francis-nguyen-tuan-anh-can-dot-pha-cong-nghe-thong-tin-trong-linh-vuc-y-te-1119336.vov

– Theo P.Hà – VOV5

ĐÓN TẾT AN TOÀN CÙNG VMED GROUP

Tết Nhâm Dần 2022 đã đến, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, mọi người cần lưu ý gì để đón Tết an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng?

 

Tết Nhâm Dần năm nay diễn ra trong khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Mới đây, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra những  khuyến cáo để có một cái Tết an toàn, vui vẻ và khỏe mạnh.

 

Tham khảo theo những gợi ý dưới đây để bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình trong dịp lễ Tết năm nay.

 

Thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên Đán 2022

THÔNG BÁO

V/v : Lịch nghỉ Tết Nguyên Đán 2022

 

Kính gửi: Quý Khách hàng, Quý Đối tác

 

VMED Group xin trân trọng thông báo đến Quý khách hàng, Quý đối tác về thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán 2022 như sau:

 

  • Thời gian nghỉ: Từ ngày 29/01/2022 (27 tháng Chạp – Thứ 7)

                            đến hết ngày 06/02/2022 (mùng 6 Tết – Chủ Nhật)

 

  • Thời gian làm việc trở lại: Ngày 07/02/2022 (mùng 7 Tết – Thứ 2)

 

Chúng tôi trân trọng thông báo để Quý khách hàng, Quý đối tác nắm thông tin và thuận tiện cho việc liên hệ công tác.

Kính chúc Quý Khách hàng, Quý đối tác và gia đình năm mới Sức khỏe, Hạnh phúc và Thành công!

 

Trân trọng!

Tập đoàn VMED Group

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ba căn bệnh phổ biến của doanh nghiệp khi chuyển đổi số

Đổi mới sáng tạo nhằm mục đích quảng bá, sơ suất nhiệm vụ và sự cố BU là ba sai lầm phổ biến nhất có thể dẫn đến sự thất bại của các trung tâm đổi mới sáng tạo.

 

Con người là trọng tâm

Sự thiếu hụt kỹ năng chuyển đổi số trong các đơn vị kinh doanh, nhu cầu bức thiết phải bắt kịp, cập nhật với cuộc cạnh tranh và hiệu quả tiềm năng mang lại bằng cách tập trung tài năng và nhiệm vụ chuyển đổi số trong tổ chức là ba chủ đề chính làm phát sinh nhu cầu về một trung tâm đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Francis Tuấn Anh, cố vấn Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp (Bộ Khoa học và công nghệ) cho biết, trung tâm này từ lâu đã được áp dụng thành công ở các tập đoàn lớn thế giới với cái tên trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), về sau gọi là innovation lab (phòng thử nghiệm sáng tạo) và nay là trung tâm đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Francis Tuấn Anh, cố vấn Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp (Bộ Khoa học và công nghệ)

Hiện nay, hầu hết hoạt động của một doanh nghiệp đều cần có kỹ năng thực hiện các giải pháp công nghệ và chỉ gần đây mới có một số nhóm được xây dựng có khả năng thực hiện các giải pháp này để chuyển đổi doanh nghiệp thông qua chuyên môn của họ.

Bên cạnh đó, trong mô hình chuyển đổi số, các nhà lãnh đạo được hướng dẫn kết hợp với các nhà cung cấp công nghệ để hiểu về việc sử dụng công nghệ để tiếp cận những khách hàng đầu cuối của họ. Đây là điều mà bộ phận công nghệ thông tin với kỹ năng tốt nhất cũng sẽ phải đấu tranh rất nhiều để tự đạt được.

“Đổi mới công nghệ nên được thực hiện trong doanh nghiệp, với một nhóm đặc biệt. Bất kể họ được gọi là gì, hay họ báo cáo với ai, một trung tâm hoặc một nhóm đổi mới là con đường phía trước”, ông Tuấn Anh nhận định tại toạ đàm “Chuyển đổi số – thay đổi để thích ứng và phục hồi” do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ lễ trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2021.

Ông Tuấn Anh mô tả, trung tâm đổi mới sáng tạo được gắn với công ty mẹ như “bánh xe đào tạo” trên xe đạp của trẻ em.

Một trong những công việc quan trọng nhất của trung tâm đổi mới sáng tạo là đẩy mạnh khả năng chuyển đổi số sâu hơn vào các đơn vị kinh doanh. 

Đồng thời, các nhà lãnh đạo dự án trung tâm đổi mới sáng tạo để tạo nên bước chuyển của doanh nghiệp ngày hôm nay sẽ trở thành các nhà lãnh đạo kinh doanh của ngày mai, gắn bó với doanh nghiệp.

Một xu hướng mới sẽ giúp trung tâm đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đi trước là việc phát triển sản phẩm mới gắn chặt với công nghệ số. 

Mỗi sản phẩm mới, bao gồm cả sản phẩm bảo thủ nhất, sẽ có một khía cạnh chuyển đổi số trong việc bán hàng và tiếp thị của nó (cho dù có thiết kế hay không). 

Chỉ riêng yếu tố này thôi cũng sẽ đòi hỏi rất nhiều đánh giá lại về mục đích sản phẩm, kênh bán hàng và hành trình của khách hàng.

Nói về sự thành công của một trung tâm đổi mới sáng tạo, ông Tuấn Anh đề cập đến 12 phương pháp quan trọng, trong đó, ông nhấn mạnh ba yếu tố đầu tiên mang tính quyết định bao gồm: tránh kế hoạch lớn, phải tính tỷ suất hoàn vốn (ROI) và tập trung vào con người.

“Công nghệ không phải yếu tố quan trọng nhất mà là con người. Nếu không có mô hình con người và quy trình đúng thì khó thành công. Không có con người thông minh thì không thể đổi mới sáng tạo, không thể chuyển đổi số”, ông Tuấn Anh lưu ý.

Các lưu ý còn lại đối với một trung tâm sáng tạo ở cấp độ doanh nghiệp bao gồm: không tự ý hành động, cân đối nhân sự giữa người hiểu nỗi đau của doanh nghiệp và đội ngũ giỏi về công nghệ thông tin thuê từ bên ngoài, là tổ chức có tiếng nói và dưới quyền lãnh đạo công ty, mua đừng tự xây; quản lý dự án một cách kỷ luật; chạy hackathon cho nội bộ là những người hiểu vấn đề của công ty nhất thay vì tổ chức cho đối tượng bên ngoài mang tính “tôi yêu khoa học”; chuyển đổi thay vì làm gián đoạn; giám đốc đổi mới sáng tạo (CINO) với tinh thần sẵn sàng thay đổi thay vì giám đốc thông tin (CIO); tránh kỳ vọng cao.

Con người là trung tâm của câu chuyện chuyển đổi số

Việc không thực hiện 12 phương pháp trên dẫn đến 12 triệu chứng thường gặp ở trung tâm đổi mới sáng. Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh cũng chỉ ra ba hội chứng phổ biến nhất của trung tâm đổi mới sáng tạo. Ông cho rằng, điều trị các triệu chứng sẽ khắc phục vấn đề, trong khi điều trị các hội chứng mang lại cách chữa.

Hội chứng thứ nhất là đổi mới sáng tạo để quảng bá, đó là khi các công ty thể hiện lớn việc đổi mới trong khi kém hiệu quả hơn trong việc tạo ra kết quả. Đầu tiên, họ có xu hướng tuyên bố rằng sứ mệnh của họ là cao cả, rằng nó sẽ phá vỡ hoạt động bình thường của tổ chức, và rằng kế hoạch không chỉ lớn mà rất lớn.

Kế hoạch lớn này dựa trên một công nghệ mới quan trọng, cho dù là AI hay blockchain. Bản thân công nghệ đang được bán như một trò chơi – người thay đổi.

Khi mắc hội chứng này, việc giữ hình ảnh trên báo chí là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Các thành viên trong nhóm trung tâm đổi mới sáng tạo thường xuyên tham gia các hội nghị bày tỏ quan điểm của họ về tương lai. Điều này được khuếch đại bởi bộ phận truyền thông và quan hệ công chúng của công ty và lãnh đạo cấp cao.

“Mong muốn quan hệ công chúng tốt của họ lấn át mong muốn thực hiện thay đổi thực sự. Họ tạo ra một chu kỳ phản hồi để thưởng cho trung tâm đổi mới sáng tạo vì đã được báo chí đăng tải và tạo ra PR tốt cho công ty”, ông Tuấn Anh nói.

Hội chứng thứ hai là sơ suất nhiệm vụ, xảy ra khi một trung tâm đổi mới sáng tạo thiếu tập trung vào thứ cần đổi mới và cách làm.

Sơ suất nhiệm vụ là một con đường hai chiều. Cả trung tâm đổi mới sáng tạo và giám sát của công ty phải làm việc cùng nhau để nhận ra và khắc phục các vấn đề hiện có. Ông Tuấn Anh cho rằng, một sứ mệnh thường bị mất bởi vì không có tập hợp các kỳ vọng được đo lường khi bắt đầu.

“Bạn có thể gặp tình huống mà bên trong trung tâm đổi mới sáng tạo mọi thứ đều có vẻ tuyệt vời, các nhân viên đang bận rộn với một dự án lớn, mài giũa mỗi ngày, xây dựng đến mức tối đa. Nó chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi nhiệm vụ thành công. Nhưng chi phí cơ hội là bao nhiêu? Khi thời gian và nguồn lực được sử dụng cho một dự án, hàng chục dự án khác sẽ mất dần đi (với ROI chưa được tính toán) và sứ mệnh đổi mới bị mất”, ông Tuấn Anh đặt vấn đề.

Hội chứng thứ ba được ông Tuấn Anh gọi là sự cố BU, đó là sự suy thoái trong mối quan hệ giữa trung tâm đổi mới sáng tạo và các đơn vị kinh doanh. Cô lập trung tâm đổi mới sáng tạo là giai đoạn đầu tiên của sự cố kết nối với tổ chức của bạn. Giai đoạn thứ hai là tình trạng gần như suy kiệt với một loạt các triệu chứng đòi hỏi sự can thiệp lớn để có thể chữa khỏi.

Theo ông Tuấn Anh, việc giải quyết sự cố BU sẽ là một thách thức, đòi hỏi nhiều phiên họp chung giữa đơn vị kinh doanh và trung tâm đổi mới sáng tạo để tìm ra cách chữa trị. Trong đó, bước đầu tiên của việc cứu chữa là tất cả các bên đều nhận ra rằng hệ thống đã bị hỏng và bước tiếp theo sau khi cải tổ văn hóa là xác định chính xác địa điểm, thời điểm và cách thức đổi mới.

Ông Tuấn Anh cũng lưu ý thêm, thay vì tìm kiếm một chuyên gia, hãy sử dụng trung tâm đổi mới sáng tạo như một sherpas và xem chuyển đổi chuyển đổi số như một ngọn núi để leo lên. Trên hành trình leo núi đó, trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ là hướng dẫn viên phù hợp có thể cung cấp kiến ​​thức về địa hình công nghệ số, tìm tuyến đường tốt nhất, thực hiện hầu hết các công việc nặng nhọc và cung cấp sự đồng hành cần thiết cho một cuộc leo núi thành công.

 

Theo Quỳnh Chi/ The Leader

VMED Group được vinh danh đóng góp cho cộng đồng trong công tác phòng chống dịch Covid – 19

Tối ngày 02/12/2021, tại TP.HCM, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) đã tổ chức buổi vinh danh Giải thưởng AmCham CARES cho cứu trợ và vượt qua dịch COVID-19 (2021 AmCham CARES Awards for COVID Relief and Recovery).

Với những đóng góp cho cộng đồng trong thời gian qua, VMED Group được vinh danh ở hạng mục “Cống hiến bằng Vaccine, thiết bị và vật tư y tế” (Contributions for Vaccines, Medical Supplies & Equipment).

Đây là một ghi nhận cho một chặng đường lan toả yêu thương, kết nối hạnh phúc mà VMED Group đồng hành cùng y bác sĩ và người dân.

Cán bộ nhân viên VMED Group đã không ngại hiểm nguy, xông pha lên tuyến đầu cùng các y bác sĩ trong thời điểm dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam.

VMED Group và các đơn vị thành viên đã kịp thời trao tặng nhiều thiết bị quan trọng để hỗ trợ việc điều trị bệnh nhân COVID-19 như: trao tặng 10 máy oxy dòng cao (HFNC) của hãng Comen trị giá gần 1 tỷ đồng cho Hội Hồi sức Cấp cứu & Chống độc Việt Nam và các Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Ảnh: Ông Nguyễn Francis Tuấn Anh – đại diện VMED Group nhận vinh danh cho đơn vị có đóng góp về vaccine, thiết bị và vật tư y tế, chung tay vượt qua dịch COVID-19

Không ngần ngại đi tới những “điểm nóng” nhất dịch bệnh trên địa bàn, những chiếc máy tạo oxy dòng cao được VMED Group trao tận tay những chiến sĩ áo trắng – những bác sĩ  tại tuyến đầu chống dịch tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Quận 2), Bệnh viện Đa khoa Lê Văn Việt (Quận 9), Bệnh viện Quận 7, Bệnh viện 30/4 và Bệnh viện Nguyễn Trãi. Dòng máy HFNC NF5 Comen do VMED Group trao tặng trong chương trình cũng đang được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện điều trị COVID-19 tại nhiều nước trên Thế giới trong thời gian vừa qua với các tính năng đặc biệt phù hợp với các bệnh viện dã chiến như: có thể sử dụng tại nơi không có hệ thống khí trung tâm; màn hình cảm ứng qua găng tay cao su; tích hợp sẵn bộ đo SPO2 giúp theo dõi tình trạng giảm oxy máu của bệnh nhân; đặc biệt tốc độ dòng có thể lên đến 80 lít/phút phù hợp với những bệnh nhân tình trạng nặng.

VMED Group nghiên cứu và sản xuất thích ứng linh hoạt với bối cảnh thực tế, phối hợp cùng Đại học Bách Khoa Hà Nội triển khai dự án “Nghiên cứu và sản xuất máy oxy dòng cao HFNC ký hiệu BKVM-HF1”. Gần 800 máy BKVM-HF1 đã được sản xuất và triển khai sử dụng tại các bệnh viện điều trị COVID-19 trên nhiều nơi, từ các bệnh viện dã chiến, kho dã chiến, đến các sở y tế tỉnh và Bộ Y Tế Lào.

VMED Group đã tài trợ các trang thiết bị phòng hộ cho các cơ sở y tế trọng điểm (Bệnh viện K, Bệnh viện dã chiến số 3 Hải Dương), tặng 40.000 bơm tiêm tự khóa 0,5ml kim 25G cho Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 và một số bệnh viện trọng điểm tại TP.HCM – 2021.

VMED Group tích cực tiếp sức các “chiến sĩ áo trắng” với các trang thiết bị phòng hộ (khẩu trang, găng tay y tế, đồ bảo hộ) được kịp thời gửi tới nhiều bệnh viện trên cả nước với tổng giá trị trên 100 triệu VNĐ .

Cùng với nhiều hoạt động ý nghĩa khác, mang sứ mệnh của những người công tác trong lĩnh vực y tế – “Vì một cộng đồng khỏe mạnh và hạnh phúc hơn”, hành trình này của VMED Group sẽ còn tiếp tục và chia sẻ nhiều yêu thương hơn nữa./.

Công ty Vietmedical – thành viên VMED Group trao tặng 10 máy oxy dòng cao (HFNC) trị giá gần 1 tỷ đồng chung tay phòng chống dịch Covid -19

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên nhiều tỉnh thành khắp cả nước, đặc biệt ở tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, đồng thời nhằm hưởng ứng chương trình “Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19”, Công ty Vietmedical đã trao tặng 10 máy oxy dòng cao (HFNC) trị giá gần 1 tỷ đồng cho Hội Hồi sức Cấp cứu & Chống độc Việt Nam và các Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Những ngày vừa qua, tại tâm dịch lớn nhất cả nước là TP.Hồ Chí Minh vẫn liên tiếp ghi nhận nhiều ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới. Chỉ riêng ngày 6/8/2021 tại TP.HCM tiếp tục ghi nhận 4.060 ca mắc mới và đã có thêm 3 Trung tâm Hồi sức tích cực được đưa vào hoạt động.  

Số người nhiễm virus tăng cao kéo theo số lượng bệnh nhân chuyển nặng xuất hiện tình trạng biểu hiện suy hô hấp nhiều lên, việc trang bị các thiết bị y tế để kịp thời cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhân nguy kịch như máy thở chức năng cao hay máy oxy dòng cao (HFNC) trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, cùng với việc hưởng ứng chương trình “Cùng Tuổi Trẻ chống dịch Covid-19”, Công ty Vietmedical đã quyết định tài trợ 10 máy oxy dòng cao (HFNC-High Flow Nasal Cannula) của hãng Comen với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng với mong muốn “tiếp sức” cuộc chiến cam go chống dịch Covid-19. 

Dòng máy HFNC NF5 Comen do Vietmedical trao tặng trong chương trình cũng đang được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện điều trị Covid-19 tại nhiều nước trên Thế giới trong thời gian vừa qua với các tính năng đặc biệt phù hợp với các bệnh viện dã chiến như: có thể sử dụng tại nơi không có hệ thống khí trung tâm; màn hình cảm ứng qua găng tay cao su; tích hợp sẵn bộ đo SPO2 giúp theo dõi tình trạng giảm oxy máu của bệnh nhân; đặc biệt tốc độ dòng có thể lên đến 80 lít/phút phù hợp với những bệnh nhân tình trạng nặng.

Ngày 09/08/2021, Công ty Vietmedical cùng đại diện Báo Tuổi Trẻ đã trao tặng 5 chiếc máy HFNC NF5 Comen cho Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam sử dụng tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Bạch Mai với mong muốn góp sức mình vào cuộc chiến dịch bệnh đầy cam go và khốc liệt hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Các máy còn lại cũng đã được trao tặng cùng ngày cho các Bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bao gồm Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Quận 2), Bệnh viện Đa khoa Lê Văn Việt (Quận 9), Bệnh viện Quận 7, Bệnh viện 30/4 và Bệnh viện Nguyễn Trãi đưa vào sử dụng sớm phục vụ cho việc điều trị.

Đại diện Vietmedical và đại diện báo Tuổi Trẻ trong buổi trao tặng máy oxy dòng cao HFNC NF5 Comen tại Bệnh viện dã chiến số 16 sáng nay (Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Trong buổi trao tặng, Bà Nguyễn Phan Lệ Chi – Đại diện Công ty Vietmedical – chia sẻ: “Giờ đây, hàng triệu trái tim Việt Nam đang cùng hướng về điểm nóng dịch bệnh TP. Hồ Chí Minh với các hoạt động sẻ chia, giúp đỡ thiết thực nhất. Khi số ca nhiễm Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, chúng tôi tin rằng máy tạo oxy dòng cao (HFNC) đưa tới các Bệnh viện điều trị bệnh nhân covid sẽ hỗ trợ hiệu quả trong công tác điều trị, giúp cứu sống thêm nhiều bệnh nhân.”

GS.TS. Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu & Chống độc Việt Nam nhận định: “Tình hình dịch bệnh đang gia tăng khiến bệnh nhân suy hô hấp mức độ vừa chiếm một tỷ lệ lớn. Việc sử dụng máy oxy dòng cao (HFNC) kịp thời có thể giúp người bệnh đảm bảo hô hấp trong quá trình bệnh tiến triển, làm giảm đáng kể số lượng bệnh nhân phải đặt nội khí quản, từ đó giảm tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng.” GS.TS Nguyễn Gia Bình cũng đồng thời bày tỏ sự trân trọng tinh thần, trách nhiệm vì cộng đồng của Công ty Vietmedical đã luôn sát cánh với hội trong nhiều hoạt động chống dịch bằng những hành động cụ thể.

Vietmedical trao tặng máy HFNC NF5 Comen cho một số bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bao gồm Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Quận 2), Bệnh viện Đa khoa Lê Văn Việt (Quận 9), Bệnh viện Quận 7, Bệnh viện 30/4 và Bệnh viện Nguyễn Trãi

Được biết, đây không phải lần đầu tiên Công ty Vietmedical có những đóng góp ý nghĩa và kịp thời vào công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trước đó vào tháng 5 tại Hà Nội và Hải Dương, Công ty Vietmedical đã gửi tới các y, bác sĩ Bệnh viện K Hà Nội và Bệnh viện dã chiến Hải Dương các trang thiết bị phòng hộ như bộ đồ chống dịch và khẩu trang N95 từ Quỹ “Connect Happiness” của tập đoàn VMED với mục tiêu sẻ chia để xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh và hạnh phúc.

Đại diện Công ty Vietmedical  cho biết thêm: Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang đe dọa sự an toàn của người dân; là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Y tế, Vietmedical luôn cố gắng góp sức vào công cuộc chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân và hưởng ứng lời kêu gọi cả nước chung tay chống dịch. Cuộc chiến này sẽ còn dài không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Vietmedical cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp cùng góp công sức và nguồn lực với mục tiêu chung giành thắng lợi trong cuộc chiến toàn dân chống “giặc” Covid-19./.

VMED Group cùng Bộ Y tế khẩn trương đưa công nghệ 4.0 tham gia “cuộc chiến” chống COVID-19

(ĐTCK) Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 vừa trực tiếp đến thăm và kiểm tra Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19 tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế). Tại đây, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo và điều hành công tác chống dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 qua Trung tâm này.

 “Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID – 19” do Cục Quản lý Khám chữa bệnh –  Bộ Y tế phối hợp cùng Tập đoàn VMED đã được triển khai với mục đích tận dụng ưu điểm vượt trội của các Giải pháp Y tế số 4.0 trong công tác kiểm soát và đẩy lùi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona (Covid – 19) và ứng dụng kiểm soát dịch trong tương lai.

Theo ông Phạm Quang Huy – Chủ tịch Tập đoàn VMED, những công nghệ này sẽ giúp cho các cơ quan quản lý tổng hợp, tập hợp những số liệu cũng như dữ liệu cuả bệnh nhân thông qua Bệnh án điện tử tập trung để chia sẻ với các trung tâm, các cơ sở nghiên cứu trong nước cũng như trên phạm vi quốc tế bởi vì hệ thống này đã đạt được những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất hiện tại. Qua đó có thể phát triển các phác đồ điệu trị, thuốc, vắc xin để mà hỗ trợ, chữa trị cho bệnh nhân trong thời gian tới.

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 22 bệnh viện chủ chốt giao ban phòng chống dịch thông qua Trung tâm này. Tại các cơ sở điều trị, các bác sỹ vẫn có thể đi buồng bệnh từ xa trong điều kiện hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân đồng thời có thể tham vấn các chuyên gia tuyến trên khi cần.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, sự ra đời của trung tâm là một bước đi rất quan trọng ứng dụng CNTT trong việc hồi sức tích cực với các tuyến bởi người  thầy thuốc ở trên trung ương hay ở bất kỳ đâu, có thể nhìn thấy được bệnh nhân, biết được tất cả những thông số chức năng sống của bệnh nhân, tất cả những diễn biến của bệnh nhân kể cả vấn đề về hô hấp vấn đề về điện tim và kể cả một số vấn đề liên quan khác từ đó sẽ đưa ra những chỉ định phù hợp hỗ trợ cho tuyến dưới. 

Ngoài ra, vấn đề lây nhiễm, thời gian tiếp xúc của người chăm sóc đối với người bệnh càng nhiều thì tỷ lệ lây nhiễm ngày càng tăng,  nên hệ thống này ra đời giải quyết được vấn đề đó, làm giảm được việc tiếp xúc giữa nhân viên y tế với bệnh nhân.

Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID–19 được thành lập theo Quyết định số 771/QĐ-BYT ngày 4/3/2020 trực thuộc Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. Theo đó, Tập đoàn VMED sẽ sử dụng phần mềm Bệnh án điện tử CLAS Healthcare cho toàn bộ các bệnh nhân nhiễm Virus; phần mềm PACS và phần mềm truyền tải dữ liệu lâm sàng theo thời gian thực từ tất cả các cơ sở điều trị đến các Trung tâm hỗ trợ và Trung tâm chỉ huy; các phần mềm nêu trên sẽ tích hợp cùng với các thiết bị y tế hiện đại như máy thở CARESCAPE R860 và máy theo dõi bệnh nhân CARESCAPE B450 được sản xuất bởi GE Healthcare và do VietMedical (thành viên của Tập đoàn VMED) cung cấp.

Hội nghị trực tuyến khởi động Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở

Ngày 25/8/2020, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến khởi động và ký kết thỏa thuận triển khai Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở. GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế tham dự và khai mạc Hội nghị.

Hội nghị có sự tham gia của bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc điều hành dự án, World Bank Việt Nam; lãnh đạo các Vụ Cục của Bộ Y tế; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Y tế, các Sở Ban Ngành liên quan của 13 tỉnh dự án, bao gồm: Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Long An, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Ninh Thuận.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu Khai mạc Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Y tế cơ sở như nền tảng, là bàn đạp của ngành Y tế từ đó xây dựng lên những công trình “kiến trúc thượng tầng”. Đây là tuyến gần dân nhất, thực hiện các hoạt động chăm sóc y tế cho người dân nhanh nhất, trong thời gian qua y tế cơ sở đã phát huy được hiệu quả.

Thời gian qua, mặc dù ngành Y tế đã quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở, nhưng thực tế phản ánh vẫn chưa được như mong muốn. Vì thế, tới đây, sẽ thay đổi toàn diện, căn bản, cả về phương thức hoạt động, đổi mới cơ chế tài chính lẫn phương thức chi trả, nhằm nâng cao chất lượng cũng như vị thế và ảnh hưởng của y tế cơ sở. Làm thế nào để người dân được hưởng thụ các dịch vụ y tế tốt nhất của tuyến trên ngay tại cơ sở.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm: Bộ Y tế đang triển khai mạnh kết nối trên toàn tuyến, tuyến tỉnh, huyện, xã theo đội hình 1-4-4-2, kết nối qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Phương thức kết nối hệ thống sẽ là 1 thầy thuốc Trung ương hỗ trợ được ít nhất 4 thầy thuốc tuyến tỉnh, 4 thầy thuốc tuyến huyện và 2 thầy thuốc tuyến xã. Bên cạnh đó sẽ là đổi mới nhân lực, phương thức tài chính, phương thức chi trả nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở.

Mục tiêu của dự án là phục vụ sự đổi mới về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở của địa phương. Vì thế, các địa phương không nên đầu tư tràn lan mà đầu tư trọng điểm, ví như trạm y tế nào xuống cấp quá thì đầu tư, cán bộ y tế tại trạm sử dụng được các kỹ thuật nào thì đầu tư trang thiết bị y tế phù hợp, tránh lãng phí khi thực hiện dự án.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ KHTC trình bày tại Hội nghị

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Ban quản lý dự án Trung ương, cho biết: Cả nước hiện có hơn 11.000 trạm y tế, trong số đó gần 1 nửa số trạm phải nâng cấp, sửa chữa. Nhiều trạm thiếu thốn cơ sở vật chất và thiếu các loại thuốc thiết yếu. Dự án lần này sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở tại các tỉnh dự án… Hỗ trợ cải thiện các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nâng cao sức khoẻ, khám chữa bệnh ban đầu; Ưu tiên các đối tượng là bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người dân ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số góp phần bảo đảo sức khoẻ, nâng cao tuổi thọ, cải thiện chất lượng sống cho người dân.

Các địa phương tham dự Hội nghị qua phương thức trực tuyến

Tại Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cùng với Lãnh đạo các địa phương ký kết thỏa thuận triển khai dự án.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở tại 13 tỉnh, dự án sẽ hỗ trợ cải thiện các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu; ưu tiên các đối tượng là bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, người dân ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao tuổi thọ, và cải thiện chất lượng sống của người dân. Cụ thể: Đầu tư cơ sở vật chất, bao gồm xây mới 138 trạm y tế xã và cải tạo nâng cấp 325 trạm y tế, cải tạo nâng cấp 12 trung tâm y tế huyện thuộc 13 tỉnh dự án; cung cấp trang thiết bị cần thiết cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về các nội dung: truyền thông giáo dục sức khỏe; bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống bệnh, dịch; Kiểm tra, phát hiện sớm, quản lý một số bệnh không lây nhiễm; khám chữa bệnh…; Đổi mới hoạt động tại trạm y tế xã bao gồm: bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống bệnh dịch; kiểm tra phát hiện sớm một số bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường; khám chữa bệnh… theo nguyên lý y học gia đình; hỗ trợ nghiên cứu xây dựng, áp dụng một số chính sách và các sáng kiến đổi mới nhằm tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh tại trạm y tế xã và kết nối với trung tâm y tế huyện và các cơ sở tuyến trên.

Tổng vốn Dự án là 126,25 triệu USD. Trong đó vốn vay World Bank là 80 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại: 25 triệu USD; vốn đối ứng là 21,25 triệu USD. Cơ quan chủ quản dự án là Bộ Y tế và 13 Ủy ban nhân dân tỉnh, dự án được triển khai trong 5 năm (2020-2025).

 

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và các đại biểu tại lễ ký kết thỏa thuận triển khai Dự án

Toàn cảnh Hội nghị

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng để các tỉnh dự án thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới./.

Lĩnh vực của chúng tôi

Hệ sinh thái