Khởi động hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu dành cho hồi sức cấp cứu (Tele-ICU) tại Bệnh viện Bạch Mai

Ngày 08/04/2021, tại Trung tâm Cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai, hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu dành cho hồi sức cấp cứu (Tele-ICU) do VMED Group xây dựng chính thức được khởi động, kết nối thí điểm với Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái và Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ). Bệnh nhân tại 2 bệnh viện tuyến dưới sẽ được “chuyển tuyến ảo” để các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành tại BV Bạch Mai thăm khám, tư vấn điều trị hàng ngày qua các phiên “đi buồng điện tử”.

 

Đại diện Ban lãnh đạo cùng đội ngũ bác sĩ, chuyên gia của BV Bạch Mai tiếp nhận bàn giao hệ thống Tele-ICU từ VMED Group

Ngay trong Lễ khởi động, hai phiên “đi buồng điện tử” và thực hiện “chuyển tuyến ảo” bệnh nhân qua hệ thống Tele-ICU đã được tiến hành theo đúng quy trình kết nối điều trị cho bệnh nhân tại BVĐK Hùng Vương và BVĐK tỉnh Yên Bái.

Trên hệ thống Tele-ICU, theo thời gian thực, toàn bộ hồ sơ tóm tắt bệnh án, các chỉ số của máy móc y tế và hình ảnh thực tế của người bệnh từ tuyến dưới đều được truyền tải trực tiếp, chi tiết và liên tục qua các thiết bị chuyên dụng về trung tâm chỉ huy (Command Center) đặt tại BV Bạch Mai.

Với mỗi giường bệnh, sau khi bác sĩ tại BVĐK Yên Bái và BVĐK Hùng Vương (Phú Thọ) báo cáo tình trạng bệnh nhân, diễn tiến, phác đồ điều trị hiện tại… các bác sĩ, chuyên gia của BV Bạch Mai cho ý kiến nhận xét, tư vấn tiên lượng và hướng điều trị bổ sung.

TS.BS Đỗ Ngọc Sơn ngồi tại Trung tâm chỉ huy trực tiếp đọc các chỉ số sinh hiệu, dữ liệu chẩn đoán hình ảnh trên hệ thống Tele-ICU và đưa ra tư vấn hướng điều trị cho bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Yên Bái và BVĐK Hùng Vương

Đặc biệt, những nội dung thực hiện trong quá trình “đi buồng điện tử” đều được cập nhật đồng bộ vào hồ sơ tóm tắt bệnh án trên nền tảng Tele-ICU của VMED để các bác sĩ ở các ca trực tiếp theo có thể nắm bắt và tiếp tục điều trị cho bệnh nhân. Điều này giúp cho quá trình điều trị bệnh nhân được liên tục, đảm bảo tính thống nhất đồng thời cũng là cơ sở dữ liệu cho những nghiên cứu y khoa chuyên sâu.

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Việc đưa hệ thống Tele-ICU vào vận hành thử nghiệm là một bước tiến quan trọng trong tiến trình số hóa của BV Bạch Mai, khẳng định quyết tâm của bệnh viện trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ y tế hiện đại, tiên tiến vào nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân. Tiếp sau bước khởi đầu hôm nay, để giải pháp thực sự phát huy hiệu quả, tránh lãng phí, chắc chắn cần có cơ chế vận hành cụ thể, đặc biệt là vấn đề liên quan tới tính pháp lý và cơ chế tài chính để duy trì hoạt động tư vấn KCB từ xa. Bản thân hệ thống và máy móc không thể tự “đi” được, tức là không thể tự tạo ra hiệu quả, mà phải cần có mối liên kết “kiềng 3 chân” giữa Bộ Y tế – Các bệnh viện – Đơn vị đồng hành triển khai giải pháp thì mới đảm bảo bước đi vững chắc và tiến xa, tạo ra những đổi thay thực sự.”

PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại sự kiện

PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng nhấn mạnh với niềm tự hào và trọng trách của một bệnh viện tuyến trung ương, BV Bạch Mai luôn mong muốn và sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nâng cao năng lực chuyên môn để phục vụ người dân ở các địa phương ngày càng tốt hơn.

Lựa chọn BVĐK tỉnh Yên Bái và BVĐK Hùng Vương là 2 đơn vị tuyến dưới để hợp tác thí điểm hệ thống Tele-ICU, BV Bạch Mai mong muốn mang lại lợi ích đa chiều cho cả người bệnh và đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện tuyến dưới.

PGS.TS. Nguyễn Văn Chi – Phụ trách TT Cấp cứu A9, BV Bạch Mai chia sẻ kỳ vọng khi triển khai hệ thống Tele-ICU vào hoạt động KCB từ xa, kết nối với các bệnh viện tuyến dưới

“Ngoài việc hội chẩn, đào tạo, hướng dẫn chuyên môn, tôi hi vọng Tele-ICU sẽ giúp các bác sỹ không phải đi mà vẫn được học, được nâng cao tay nghề, chữa tốt hơn, và người bệnh ở các địa phương không phải chuyển tuyến mà vẫn được chữa trị kịp thời, khỏi bệnh.”” – PGS.TS. Nguyễn Văn Chi – Phụ trách TT Cấp cứu A9, BV Bạch Mai chia sẻ.

Các bác sĩ tại BVĐK Yên Bái kết nối, trao đổi với các chuyên gia tại BV Bạch Mai thông qua hệ thống Tele-ICU

Đại diện cho bệnh viên tuyến dưới – đơn vị trực tiếp thụ hưởng lợi ích từ hệ thống Tele-ICU, Giám đốc BVĐK Yên Bái – BSCK II Trần Lan Anh cho biết: “BVĐK Yên Bái luôn nỗ lực để tìm ra những phương án, cách thức để giúp đỡ người bệnh, nâng cao chất lượng KCB. Việc ứng dụng hệ thống Tele-ICU thí điểm trong 3 tháng sắp tới chính là biện pháp giúp chúng tôi rút ngắn cả thời gian và không gian để cứu chữa bệnh nhân nhanh chóng, kịp thời. Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng với sự hỗ trợ từ Bệnh viện Bạch Mai và đơn vị đồng hành VMED, BVĐK Yên Bái chắc chắn sẽ thu được nhiều thành quả.”

Các bác sĩ tại BVĐK Hùng Vương (Phú Thọ) lắng nghe ý kiến tư vấn hướng điều trị cho bệnh nhân từ các chuyên gia tại BV Bạch Mai thông qua hệ thống Tele-ICU

 “Với hệ thống bệnh viện tư nhân, ngoài việc đảm bảo chất lượng dịch vụ cao, chúng tôi cần đem lại hiệu quả cao cho bệnh nhân trong công tác khám chữa bệnh và điều trị. Việc triển khai hệ thống Tele-ICU giúp chúng tôi kết nối giữa bệnh viện tư nhân và bệnh viện công được thuận tiện và dễ dàng hơn. Bệnh nhân sẽ được hưởng hai lợi ích. Một là được hưởng các tiện ích của bệnh viện tư nhân mà chúng tôi cung cấp, hai là được khám và tư vấn bởi các chuyên gia hàng đầu từ các bệnh viện tuyến trung ương như BV Bạch Mai. Chất lượng chuyên môn được đảm bảo và ngày càng nâng cao, bệnh nhân được phục vụ tốt hơn, từ đó hài lòng hơn.” – BS CKI Lương Minh Tuấn – Phó Giám đốc BVĐK Hùng Vương cho biết.

Bên cạnh việc kết nối BV Bạch Mai với BVĐK Hùng Vương và BVĐK tỉnh Yên Bái, hệ thống Tele-ICU đã và đang được triển khai kết nối và bước đầu ghi nhận hiệu quả tích cực tại nhiều đơn vị y tế lớn nhỏ trên toàn quốc như: BV Đại học Y- BVĐK tỉnh Thanh Hóa, BV Nhi Đồng 1 – BV Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng…Đặc biệt, tháng 7/2020, một bệnh nhân bị thủng dạ dày tại Côn Đảo đã được cứu sống nhờ hệ thống Tele-ICU kết nối giữa Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo và BV Bà Rịa – Vũng Tàu. Các chuyên gia tại BV Bà Rịa – Vũng Tàu với đầy đủ thông tin dữ liệu lâm sàng của bệnh nhân từ máy thở, monitor, bệnh án điện tử… đã nhanh chóng đưa ra phác đồ điều trị, hướng dẫn các bác sĩ tại Côn Đảo kịp thời tận dụng tốt “thời điểm vàng” để cứu người bệnh qua cơn nguy kịch.

Triển khai thử nghiệm hệ thống Tele-ICU là bước đi tiếp theo của Bệnh viện Bạch Mai trong lộ trình góp phần thực hiện Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/06/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025, bên cạnh nhiều hoạt động đã và đang triển khai tích cực, hiệu quả như hội chẩn, tư vấn, KCB từ xa thường quy, tư vấn y tế thường thức cho người dân. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, KCB từ xa là xu hướng được lựa chọn trên toàn thế giới nhằm đảm bảo cả hai yếu tố: duy trì hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an toàn cho đôi ngũ bác sĩ, nhân viên y tế. Sự kiện cũng góp phần tăng cường mối liên kết bền chặt giữa các tuyến bệnh viện, từ đó phát triển hệ sinh thái y tế số toàn diện và thống nhất, mang lại lợi ích tối đa cho cộng đồng./.

 

VMED Group triển khai các giải pháp chuyển đổi số Y tế về Giáo dục trực tuyến và Công nghệ thực tế ảo

Ngày 24/02/2021, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển giải pháp trong chuyển đổi số y tế tại Việt Nam giữa VMED Group cùng Công ty TNHH Giải pháp WiTEK Quốc tế (WiTEK) và Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục Thiên Hà Xanh (GET) diễn ra với mong muốn chuyển đổi số hiệu quả cho ngành y và tối ưu đầu tư trong việc xây dựng bệnh viện.

Với mong muốn hoàn thiện hệ sinh thái các giải pháp trong chuyển đổi số y tế và mang đến những sản phẩm mới, đột phá, VMED Group lựa chọn hợp tác cùng WiTEK và GET nhằm phát triển môi trường đào tạo y tế trực tuyến và xây dựng mô hình ảo hóa tại các cơ sở y tế.

Là công ty công nghệ quốc tế, WiTEK hợp tác cùng VMED Group hứa hẹn mang đến nhiều dịch vụ kỹ thuật số đột phá cho ngành y, bao gồm: Vận hành thử bệnh viện trong không gian ảo để có thiết kế tối ưu, tránh lãng phí, nâng cao giá trị đầu tư trong quá trình xây, sửa; Nâng cao khả năng quảng bá hình ảnh bệnh viện thông qua các chuyến tham quan ảo, giới thiệu các công nghệ kỹ thuật mới cho người bệnh bằng hình thức mô phỏng trực quan, sinh động; Xây dựng các phòng thực hành ảo cho y học tương lai, gia tăng hiệu quả của hình thức học tập trực tuyến.

GET được đánh giá cao với mô hình “Blended Learning” (tạm dịch: đào tạo trộn lẫn), giúp mang đào tạo trực tuyến sát với đào tạo truyền thống. Giải pháp kết hợp giữa VMED Group và GET sẽ giúp giải quyết được những thách thức của đào tạo trực tuyến cho y tế, vốn cần kết hợp từ lý thuyết, mô phỏng tiền lâm sàng và lâm sàng. Trong khi các nền tảng đào tạo trực tuyến khác được thiết kế chủ yếu cung cấp lý thuyết cơ bản, thì Blended Learning – phương pháp học tập kết hợp của VMED Group và GET tập trung xây dựng các trường, các học viện đào tạo y khoa ảo, giúp kiểm soát đồng thời những những yếu tố: thời gian, chất lượng học, mức độ tương tác và thực hành của học viên.

Lựa chọn hợp tác với WiTEK, VMED Group sẵn sàng hoàn thiện kế hoạch xây dựng mô hình ảo hóa tại các cơ sở y tế với nhiều lợi ích.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Ngô Thanh Sơn – Phó Tổng Giám đốc VMED Group khẳng định: “Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực y tế, VMED thấu hiểu được những trăn trở và vướng mắc còn tồn đọng trong bệnh viện và các cơ sở y tế, đặc biệt là nhu cầu ứng dụng công nghệ cao để chuyển đổi số toàn diện. Lựa chọn hợp tác với WiTEK, VMED Group sẵn sàng hoàn thiện kế hoạch xây dựng mô hình ảo hóa tại các cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất”.

Giải pháp của VMED Group và WiTEK chính là “lời giải” cho các bệnh viện khi tìm kiếm công cụ để giới thiệu những kỹ thuật mới, mang lại trải nghiệm trực quan cho người bệnh, nâng cao uy tín, thương hiệu trong quá trình thông tuyến toàn quốc. Đối với lĩnh vực xây dựng bệnh viện, giải pháp này cũng giúp các bệnh viện vận hành thử ngay từ trong quá trình thiết kế, phát hiện các bất hợp lý và tránh sai sót, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư và tối ưu chi phí.

VMED cũng đặc biệt chú trọng tới hoạt động đào tạo. Cùng với GET, VMED cam kết mang đến những giải pháp đào tạo trực tuyến phù hợp và ứng dụng hiệu quả trong ngành y.

Cùng với GET, VMED Group cam kết mang đến những giải pháp đào tạo trực tuyến phù hợp và ứng dụng hiệu quả trong ngành y.

Là một lĩnh vực đặc thù, yêu cầu cao cả về kiến thức và kỹ năng thực hành, việc đào tạo trong ngành y cần có sự phối hợp giữa học thuật và thực hành lâm sàng. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra những gián đoạn kết nối, giải pháp này của VMED Group và GET đã tạo ra một môi trường đào tạo gắn liền với thực tế, trang bị đầy đủ kiến thức lý thuyết, tiền lâm sàng đến lâm sàng cùng những hoạt động mô phỏng thực hành, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực ngành y.

Đại diện các doanh nghiệp tham quan Showroom phòng mổ hiện đại đặt tại Tòa nhà văn phòng VMED Group.

Lễ ký kết chính là bước khởi đầu trong hành trình nâng cao chất lượng đào tạo ngành y tế và ứng dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại trong tiến trình hoàn thiện hệ sinh thái y tế số. Bằng toàn bộ tiềm lực, trí tuệ, tâm huyết và lý tưởng chung “vì một cộng đồng khỏe mạnh và hạnh phúc hơn”, VMED Group, WiTEK và GET hứa hẹn đồng hành dài lâu, phá vỡ giới hạn, tạo nên những biến chuyển mạnh mẽ, mới mẻ, đầy giá trị thực tiễn cho cộng đồng./.

VMED là một Tập đoàn công nghệ hoạt động trong lĩnh vực y tế bao gồm Công ty mẹ VMED Group và các Công ty thành viên. VMED Group hoạt động trong 4 lĩnh vực: phát triển các giải pháp công nghệ thông tin y tế; phân phối thiết bị y tế; sản xuất các thiết bị, sản phẩm tiêu hao trong y tế và đầu tư chuyên sâu trong lĩnh vực y tế.


Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ :
(*Nguồn ảnh: VMED Group)

Ms. Vũ Thị Kiều Trang

Phòng Thương hiệu & Marketing – VMED Group

SĐT : 0908 85 85 93 / E-mail : [email protected]

Lĩnh vực của chúng tôi

Hệ sinh thái