Khi đến trạm y tế xã để khám, người đàn ông ở Nam Đàn, Nghệ An có dấu hiệu đau tức ngực, được chỉ định làm điện tâm đồ. Ngay khi dữ liệu được đưa lên trang web, bác sĩ tuyến trên đọc kết quả vội vàng kết nối với tuyến dưới đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay lập tức vì có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim nguy hiểm.
Đây là bệnh nhân nam ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Phát hiện nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, bệnh nhân được chuyến tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Các bác sĩ chỉ định chụp CT, làm các xét nghiệm để chẩn đoán, hội chẩn lâm sàng. Sau 3 ngày theo dõi, người bệnh được ra viện, không cần can thiệp, điều trị bằng thuốc, tái khám tháng một lần.
Người dân xã Nam Thái, Nam Đàn, Nghệ An được ghi điện tim bằng hệ thống điện tâm đồ từ xa Tele – ECG
Ca bệnh trên được chuyên gia chia sẻ tại hội thảo Ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán và tiên lượng bệnh lý tim mạch nhờ giải pháp điện tâm đồ từ xa Tele-ECG do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức chiều ngày 24/9. Hội thảo có sự tham gia của các bác sĩ của các bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Đa khoa Mường Khương (Lào Cai)- đơn vị mới triển khai hệ thống này.
Hệ thống này gồm máy điện tim, bộ kết nối và gửi dữ liệu qua mạng 3G/4G và hệ thống phần mềm. Nó giúp người bệnh đến đo điện tim ở Bệnh viện Đa khoa Mường Khương (Lào Cai) nhưng có thể được các chuyên gia tim mạch của Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đọc, trả kết quả, hội chẩn. Qua đó, phát hiện ngay các trường hợp có nguy cơ nhồi máu cơ tim sớm. Kết quả này có được là do dữ liệu ghi điện tim của người bệnh đã được chuyển lên một trang web.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trong các bệnh lý về tim mạch thì nhồi máu cơ tim là nguy hiểm nhất, nguyên nhân tử vong hàng đầu. Bệnh có tỷ lệ mắc cao, số mắc ngày càng tăng. Với bệnh nhồi máu cơ tim cấp, thời gian chính là sự sống. Càng được phát hiện sớm, can thiệp sớm, tỷ lệ sống của người bệnh càng cao.
Theo nghiên cứu trên thế giới, từ lúc bệnh nhân có biểu hiện đau thắt ngực hoặc quỵ xuống đến lúc được can thiệp động mạch vành dưới 2 giờ là thời gian tốt nhất, tỷ lệ sống cao nhất. Song thống kê tại Viện Tim mạch quốc (Hà Nội) gia cho thấy thực trạng đáng buồn là chỉ có gần 2% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến sớm trong khoảng “thời gian vàng” trên. Số người đến viện trước 12 giờ là khoảng 40%. Còn lại là bệnh nhân đến quá muộn nên nhiều trường hợp không cứu được hoặc để lại những di chứng nặng nề.
Vì thế, PGS Hiếu cho rằng công nghệ chẩn đoán bệnh từ xa này sẽ giúp phát hiện sớm các trường hợp có bệnh lý tim mạch nguy hiểm, cần can thiệp sớm như nhồi máu cơ tim. Trong những trường hợp ở vùng sâu, vùng xa không có chuyên gia, bác sĩ, mà chỉ cần kỹ thuật viên với sự giúp đỡ của các chuyên gia tuyến trên cũng có thể phát hiện ra các bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nguy hiểm.
“Ngoài ra, nó cũng có thể giúp loại trừ những trường hợp không cần thiết lên tuyến trên đi xa, vất vả, tốn tiền. Đồng thời cũng giúp thống nhất phương pháp điều trị giữa các tuyến, giảm thiểu các trường hợp chẩn đoán không đúng, nâng cao trình độ của cán bộ y tế”, PGS Hiếu chia sẻ.
Trước đó, 6 tháng đầu năm hệ thống này đã được thí điểm tại sáu xã của huyện Nam Đàn, Nghệ An. Qua đó đã hhát hiện một số trường hợp bất thường, thiếu máu cục bộ, rung nhĩ- cần can thiệp ngay.