Theo đánh giá từ Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang là nước thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, trình độ cao thì lại có khuynh hướng hiểu biết lý thuyết khá, nhưng lại kém về năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp. Hơn nữa, khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực còn hạn chế. Những hạn chế, yếu kém này là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trước thực trạng nguồn nhân lực còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời gây lãng phí tài nguyên lao động trong thời kỳ “dân số vàng”, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược,… Trong đó nhấn mạnh đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển của xã hội, đồng thời thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo.
Việc đào tạo liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo không những gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn, mà nó còn đem lại những lợi ích thiết thực, bền vững cho cả 3 bên: nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên.
Thứ nhất, với nhà trường sẽ được nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tìm được đầu ra phong phú cho người học, từ đó nâng cao uy tín của nhà trường trước những yêu cầu của thị trường lao động đa dạng và luôn biến động, tạo được tiếng vang trong giáo dục và đào tạo, xây dựng được uy tín cũng như duy trì môi liên kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Thứ hai, đối với doanh nghiệp sẽ luôn yên tâm có một đôi ngũ nhân lực vững chắc đáp ứng nhu cầu phát triển. Đồng thời doanh nghiệp sẽ ít tốn chi phí tuyển dụng, thử việc, vì qua thời gian thực tập chính là thời gian sinh viên thể hiện năng lực, từ đó doanh nghiệp sẽ đánh giá được khả năng, năng lực, phẩm chất của sinh viên. Nói cách khác là doanh nghiệp có thêm quyền, cơ hội lựa chọn và sử dụng nguồ̀n lao động chất lượng, đúng trình độ, chuyên môn, từ đó giải quyết được bài toán nan giải về nhân lực.
Không chỉ vậy, những kết quả từ sinh viên sẽ cho phép doanh nghiệp phản hồi với nhà trường, đánh giá chất lượng đào tạo (phát huy mặt mạnh khắc phục những mặt yếu kém) và đóng góp ý kiến vào việc xây dựng chương trình đào tạo của nhà trường.
Khi được đảm bảo về chất lượng nguồn nhân lực, doanh nghiệp có thể sẽ hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất cho nhà trường như một hình thức đầu tư, phát triển bước đầu. Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi khi chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường được nâng cao, từ đó doanh nghiệp có thêm cơ hội quảng bá thương hiệu, hình ảnh của mình.
Đặc biệt tại một số ngành nghề liên quan tới máy móc, khoa học, công nghệ. Việc gắn kết đào tạo còn giúp doanh nghiệp có thể đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng và thiết thực từ nhà trường nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm Made in Vietnam.
Ở một số ngành nghề kỹ thuật cao, việc kết hợp đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp còn làm tăng khả năng tiếp cận của sinh viên với các công nghệ tiên tiến mà nhà trường không kịp đáp ứng.
Thứ ba, đối với sinh viên, sẽ có cơ hội lựa chọn địa điểm thực tập phù hợp với sở trường và năng lực, tạo cơ hội nắm băt đươc môi trường thưc tế, phát triển được kỹ năng giải quyết những vấn đề phát sinh. Chính bản thân của sinh viên sẽ có được yếu tố linh động, mềm mại, những kỹ năng mềm. Thực tập, kiến tập tại doanh nghiệp giúp sinh viên mở rộng mối quan hệ của mình. Các đợt thực tập thực tế giúp họ hiểu rõ hơn những bài học lý thuyết. Với kinh nghiệm thực tập họ sẽ tự tin, mở rộng cơ hội nghề nghiệp ngay sau khi ra trường. Đồng thời, đợt thực tập cũng là cuộc khảo sát, thử thách họ trong quá trình lập nghiệp. Cho dù đạt được kết quả nhiều hay ít, các đợt thực tập cũng mang lại cho sinh viên nhiều cơ hội khác nhau.
Trong nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng trong khu vực và trên thế giới thì đào tạo gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là rất quan trọng, xuất phát từ yêu cầu khách quan của quy luật kinh tế, quy luật cung cầu, đảm bảo hài hòa lợi ích từ ba bên: Nhà trường – Doanh nghiệp – Sinh viên. Có thể khẳng định rằng mối gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo. Vì vậy, xây dựng và củng cố mối gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc phát triển nguồ̀n nhân lực là yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ bắt buộc và là đòi hỏi của xã hội. Các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp ngay lập tức cần phải có những giải pháp đồ̀ng bộ và tối ưu nhằm xây dựng và phát triển mối gắn kết bền vững này.