Nhân dịp đầu năm Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có những chia sẻ về chính sách, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm mới.
Phóng viên: Năm 2019, ngành y tế tập trung triển khai đề án về nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật y tế và truyền thông giáo dục sức khỏe đến các cấp, các ngành, địa phương và người dân. Vậy trọng tâm của ngành y tế năm 2019 là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ngành y tế tập trung vào sáu nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Chỉ đạo các cơ sở y tế bảo đảm cung cấp các dịch vụ tầm soát, phát hiện sớm bệnh tật, nhất là ung thư, tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp. Cạnh đó, triển khai đồng bộ các giải pháp để các trạm y tế (TYT) xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Thứ hai, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra dịch lớn. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu y tế-dân số, tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống chính sách về khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ ở các tuyến. Tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, tăng sự hài lòng của người dân. Đặc biệt là giảm số lượng người Việt Nam đi nước ngoài khám chữa bệnh, thu hút người nước ngoài đến du lịch kết hợp khám chữa bệnh ở Việt Nam.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện lộ trình giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí. Tăng cường cơ chế tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư trong y tế, tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển.
Thứ năm, đổi mới công tác đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề y dược. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý quỹ bảo hiểm y tế. Hoàn thành kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân.
Cuối cùng là mở rộng phạm vi, danh mục đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế. Phát triển công nghiệp dược, y học cổ truyền. Tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng. Quản lý chặt chẽ phòng khám tư nhân, cơ sở bán thuốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi thị sát, kiểm tra công tác tiêm chủng tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội vào tháng 1-2019
Trạm y tế đã lập hồ sơ quản lý cá nhân:
PV: Nhiệm vụ đầu tiên Bộ trưởng nhắc đến chính là phát triển y tế cơ sở. Vậy kết quả mà ngành đã đạt được trong những năm qua và kế hoạch nhân rộng mô hình này trên cả nước thời gian tới sẽ như thế nào?
Trả lời:
+ Từ đầu năm 2018, ngành y tế đã tập trung triển khai một số nội dung quan trọng để y tế cơ sở thực sự trở thành nền tảng, biến TYT xã giữ vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các TYT xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.
Nhiều TYT ở Hà Nội, Hà Tĩnh, Khánh Hòa… đã lập được hồ sơ quản lý cá nhân, đa số trạm triển khai quản lý một số bệnh không lây nhiễm. Đến nay đã có 9.655 TYT xã triển khai quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt, 7.536 trạm quản lý bệnh nhân động kinh. Tuy nhiên, quản lý và điều trị bệnh nhân tăng huyết áp mới được 13,6% và bệnh đái tháo đường được 28,9%.
Theo kế hoạch, đến hết quý I-2019, ngành y tế sẽ giải quyết cơ bản về cán bộ và trang thiết bị y tế cho 26 TYT xã điểm và TYT ở các tỉnh/TP lớn.
Hình ảnh Bộ trưởng hân hoan bế em nhỏ tại bệnh viện huyện Chương Mỹ, Hà Nội
PV: Bộ Y tế sẽ có quyết sách nào để giải quyết những vấn đề liên quan đến chi trả theo đúng định mức của bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi của người bệnh và góp phần giảm áp lực cho các cơ sở y tế?
Trả lời:
+ Ngành y tế đi tiên phong trong chuyển đổi cơ chế “phí” sang “giá dịch vụ”, áp dụng một mức giá thống nhất cho nhiều bệnh viện. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như có đơn vị có chi phí cao hơn định mức nhưng cũng có đơn vị chi phí thấp hơn định mức. Qua một thời gian thực hiện, Bộ Y tế đã phát hiện và điều chỉnh lại cho phù hợp với chi phí thực tế.
Cạnh đó, việc thanh toán giữa bảo hiểm xã hội và một số bệnh viện còn có vướng mắc. Hiện Bộ Y tế đang phối hợp cùng Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất hướng dẫn việc thanh toán để bảo đảm quyền lợi của người bệnh.
Tại hội nghị triển khai công tác ngành y tế năm 2019 hồi đầu tháng 1-2019, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết năm 2018 có 40.000 người Việt chi số tiền trên 2 tỉ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Ngoài ra, theo một báo cáo của Thái Lan, tổng chi phí khám chữa bệnh của người Việt tại Thái Lan đứng thứ ba trong những nước có nhiều người đến chữa bệnh tại đây. Các nước khác như Singapore, Nhật, Mỹ… cũng tiếp nhận một lượng bệnh nhân không nhỏ từ Việt Nam, đa số họ đến để chữa các bệnh hiểm nghèo như ung thư…
Tại hội nghị triển khai công tác ngành y tế năm 2019 hồi đầu tháng 1-2019, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết năm 2018 có 40.000 người Việt chi số tiền trên 2 tỉ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh. Ngoài ra, theo một báo cáo của Thái Lan, tổng chi phí khám chữa bệnh của người Việt tại Thái Lan đứng thứ ba trong những nước có nhiều người đến chữa bệnh tại đây. Các nước khác như Singapore, Nhật, Mỹ… cũng tiếp nhận một lượng bệnh nhân không nhỏ từ Việt Nam, đa số họ đến để chữa các bệnh hiểm nghèo như ung thư… |